Tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực tài chính
Chiều 8/10, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị giao ban công tác tháng 9 và Quý III/2024; triển khai chương trình công tác tháng 10 và Quý IV/2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Võ Thành Hưng và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính.
Thu ngân sách 9 tháng đạt trên 85% dự toán
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 9 ước đạt 94,3 nghìn tỷ đồng, bằng 5,5% dự toán, bằng 55,7% so mức thu bình quân 8 tháng đầu năm 2024 (169,2 nghìn tỷ đồng/tháng).
Lũy kế 9 tháng thu NSNN ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 89,9% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 80,4% dự toán), tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2023 (không kể yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất thì tăng 15,1% so cùng kỳ).
Trong đó: Thu nội địa ước đạt 1.203,1 nghìn tỷ đồng, bằng 83,3% dự toán, tăng 18,9% so cùng kỳ năm 2023, không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước; số thu thuế, phí nội địa ước đạt 84,8% dự toán, tăng 13,7% so cùng kỳ; Thu từ dầu thô: Ước đạt khoảng 44,4 nghìn tỷ đồng, bằng 96,6% dự toán, giảm 2,9% so cùng kỳ năm 2023; Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: Ước đạt 200,2 nghìn tỷ đồng, bằng 98,1% dự toán, tăng 17,6% so cùng kỳ năm 2023.
Về chi NSNN, tổng chi cân đối NSNN 9 tháng ước đạt 1.256,3 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3% dự toán, tăng 1,4% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 320,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,3% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm cả về giá trị (khoảng 42,7 nghìn tỷ đồng) và tỷ lệ so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt 363,3 nghìn tỷ đồng, bằng 51,05% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt 77,3 nghìn tỷ đồng, bằng 69,2% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 856,5 nghìn tỷ đồng, bằng 68% dự toán; chi dự trữ ước đạt 81,1% dự toán.
Về cân đối NSNN, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 24/9/2024, đã thực hiện phát hành 262 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 11,15 năm, lãi suất bình quân 2,5%/năm.
Đảm bảo tiến độ chương trình xây dựng pháp luật
Thông tin tại Hội nghị về các đề án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) tới đây, do Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí được giao chủ trì, Cục trưởng Nguyễn Quốc Hưng cho biết, đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), tại kỳ họp tháng 6/2024 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường đối với dự án Luật. Đơn vị đang tiếp tục tổng hợp, tiếp thu giải trình các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm hoàn thiện dự án Luật để kịp tiến độ báo cáo, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Đối với 2 đề án còn lại gồm: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đơn vị cũng đang bám sát tiến độ, đảm bảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10/2024 này.
Tại Hội nghị, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, Vụ Pháp chế cũng chia sẻ về tiến độ, một số vướng mắc trong quá trình xây dựng 2 dự án Luật quan trọng khác giao Bộ Tài chính chủ trì, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 gồm: Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; lấy ý kiến, thông qua đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia. Các đơn vị cho biết sẽ bám sát tiến độ, tập trung mọi nguồn lực, đảm bảo tiến độ được giao.
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, trong công tác xây dựng cơ chế chính sách, Tổng cục đã bám sát, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục tích cực phối hợp, hoàn thiện các nội dung sửa đổi về Luật Quản lý thuế tại 1 luật sửa 7 luật. Đối với 3 Nghị định quan trọng khác cần sửa đổi (Nghị định 123 quy định về hóa đơn chứng từ, Nghị định 132 về giao dịch liên kết, Nghị định về thuế tối thiểu toàn cầu), đề nghị các đơn vị liên quan sớm có ý kiến để Tổng cục tổng hợp, phấn đấu hoàn thành đúng thời gian quy định. Bên cạnh đó, về nhiệm vụ thu ngân sách, cơ quan Thuế sẽ quyết tâm, bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Bộ để hoàn thành tốt công tác thu được giao trong những tháng còn lại của năm 2024.
Cho ý kiến thêm về các chương trình xây dựng pháp luật, Thứ trưởng Võ Thành Hưng đề nghị từ nay đến cuối năm, các đơn vị cần khẩn trương tập trung hoàn thiện các đề án được giao chủ trì xây dựng, chuẩn bị các nội dung cần giải trình tiếp thu với các cơ quan của Quốc hội, đồng thời kết hợp tuyên truyền chính sách qua đó tạo sự đồng thuận của toàn xã hội “Nội dung tuyên truyền cần truyền tải theo hướng dễ hiểu, làm sao để những người không am hiểu về tài chính cũng có thể hiểu về các nội dung dự thảo Luật” - Thứ trưởng Võ Thành Hưng lưu ý.
Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN
Liên quan đến công tác điều hành ngân sách nhà nước, Thứ trưởng Võ Thành Hưng lưu ý các cơ quan liên quan cần tập trung thu đúng, thu đủ, kịp thời. “ Ít nhất phải đạt mức đã báo cáo Quốc hội, chúng ta đã báo cáo Quốc hội vượt dự toán trên 10%, đề nghị các đơn vị lưu ý” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của các đơn vị trong thời gian qua đã cố gắng hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên tinh thần đó, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục nỗ lực, cố gắng hoàn thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ cả năm 2024. Trong đó, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần tập trung vào 2 nội dung trọng tâm gồm: công tác thu, chi ngân sách và công tác hoàn thiện đề án cơ chế chính sách tài chính.
Theo đó, đối với công tác thu, chi ngân sách đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Bộ Tài chính. Các cơ quan thu (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) và các đơn vị liên quan cố gắng tập trung thực hiện nhiệm vụ thu đạt mức cao nhất có thể trên tinh thần thu đúng, đủ, kịp thời. Về công tác chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.
Về các đề án chính sách trình Chính phủ, Quốc hội tới đây, các đơn vị được giao chủ trì cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tốt nhất các đề án cả về chất lượng và thời hạn, đảm bảo kết quả cao nhất. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các đề án sẽ lấy ý kiến và được thông qua tại kỳ họp Quốc hội trong tháng 10/2024 này.
Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị lưu ý, quan tâm đến các công việc khác như: trả lời kiến nghị cử tri, phối hợp trong sửa Luật Đầu tư công, công tác tài chính nội ngành, công tác thúc đẩy giải ngân đầu tư của Bộ Tài chính…
Theo Thu Trang (Cổng TTĐT Bộ Tài chính)