Ngành Tài chính An Giang: Vượt qua khó khăn, đóng góp quan trọng vào thành quả chung của tỉnh
Kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh An Giang có nhiều chuyển biến tích cực. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển, môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Sở Tài Chính tỉnh An Giang là một trong những đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thành quả chung của tỉnh.
Ông Trần Minh Nhựt, Giám đốc Sở Tài Chính An Giang
Làm tốt công tác điều hành thu, chi ngân sách nhà nước
Xác định năm 2023 là năm mà nền kinh tế của tỉnh gặp nhiều thách thức, có thể tác động trực tiếp đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành. Ngay từ đầu năm, thực hiện chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ Tài chính; Sở Tài Chính Tỉnh An Giang đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh phương án điều hành NSNN năm 2023 theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế nhằm đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2023 theo Thông tư số 78/2022/TT-BTC ngày 26/12/2022 của Bộ Tài chính; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 15/02/2023 về việc tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2023, đề ra các giải pháp điều hành cân đối NSĐP chủ động, tích cực.
Giám đốc Sở Tài Chính tỉnh An Giang ông Trần Minh Nhựt cho biết, trong tổ chức thực hiện, Sở Tài chính đã tập trung triển khai các giải pháp, chính sách thu NSNN hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡi khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời chính sách; đồng thời chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng khai thác nguồn thu, chống thất thu, xử lý nợ thuế, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán HĐND tỉnh giao.
Nhờ sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự vào cuộc của chính quyền các cấp và nổ lực của ngành tài chính địa phương, tuy tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng công tác thu NSNN đạt được kết quả tích cực. Theo đó, thu NSNN từ kinh tế địa bàn năm 2023 là 7.356 tỷ đồng, đạt 111% so dự toán, bằng 97% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 450 tỷ đồng đạt 110% dự toán, bằng 100% so cùng kỳ năm trước. Thu nội địa: 6.906 tỷ đồng, đạt 111% so dự toán, bằng 97% so cùng kỳ năm trước (nếu không tính số thu XSKT và tiền sử dụng đất thì thu 4.691 tỷ đồng, đạt 116% dự toán). Trong đó: Có 14/16 khoản thu đạt và vượt dự toán năm, gồm: thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; lệ phí trước bạ; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thu phí và lệ phí; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước; thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản; thu khác ngân sách; thu cấp quyền khai thác khoáng sản; thu cổ tức và lợi nhuận được chia và thu xổ số kiến thiết; Có 02/16 khoản thu chưa đạt dự toán năm là thuế bảo vệ môi trường và thu tiền sử dụng đất.
Về chi ngân sách địa phương. Triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 13/12/2022 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023. UBND tỉnh đã chủ động chỉ đạo các đơn vị dự toán và các cấp ngân sách điều hành chi ngân sách chặt chẽ, theo đúng dự toán được giao, hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán, triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết. Qua đó đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của địa phương, đặc biệt chi cho con người, chi cải cách tiền lương, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, chi cho phòng chống thiên tai và những nhiệm vụ cấp thiết khác.
Quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ 2024
Nhận định về năm 2024, ông Trần Minh Nhựt cho rằng, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để bứt phá thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình trong nước có những thuận lợi, cơ hội mới mở ra. Các chính sách từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lan tỏa các tác động tích cực, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh. Song song đó, tình hình kinh tế - xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro do tác động trong nước và trên thế giới, sự biến động của giá nguyên vật liệu, lạm phát, xuất nhập khẩu, tỷ giá hối đoái.Do đó để hoàn thành cao nhất dự toán NSNN năm 2024, các ngành các cấp phải quyết tâm, nổ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính – ngân sách.
Được biết, năm 2024 ngành tài chính An Giang được HĐND tỉnh giao dự toán thu NSNN là 7.197 tỷ đồng, bao gồm: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 330 tỷ đồng. Thu nội địa: 6.867 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách địa phương được hưởng: 20.653 tỷ đồng. Về chi ngân sách địa phương HĐND tỉnh giao 20.653 tỷ đồng, bao gồm: chi đầu tư phát triển là 3.974 tỷ đồng; chi thường xuyên là 11.715 tỷ đồng, chi bổ sung Quỹ dự trữ tài chính 1,2 tỷ đồng, bằng 100% dự toán năm 2023; chi trả lãi vay 12 tỷ đồng; chi tạo nguồn cải cách tiền lương 625 tỷ đồng; chi từ nguồn trung ương bổ sung có mục tiêu là 4.009 tỷ đồng; dự phòng ngân sách các cấp 317 tỷ đồng, chiếm 2% tổng chi ngân sách địa phương.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2024, Sở Tài Chính tỉnh đề nghị các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2024 theo Nghị quyết của Chính Phủ và HĐND tỉnh. Tổ chức điều hành dự toán NSNN chủ động chặt chẽ, bảo đảm kỹ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách, kiểm soát chi hiệu quả trong phạm vi Nghị quyết HĐND các cấp giao, trong điều hành phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi; các khoản thu, chi phải thực hiện theo dự toán.
Ông Trần Minh Nhựt đánh giá, việc triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, cần tiếp tục bám sát tình hình, dự báo và có giải pháp điều hành năm 2024 phù hợp, kịp thời.
“Sở Tài chính tin tưởng với sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, địa phương và với quyết tâm cao của cán bộ, công chức trong toàn ngành tài chính, chúng ta nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao trong năm 2024”, ông Trần Minh Nhựt tin tưởng.
Năm 2023, Sở Tài chính An Giang đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ trao 700 phần quà (tổng trị giá 350 triệu đồng) cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đoàn công tác Sở Tài chính tỉnh An Giang do ông Nguyễn Điền Tân - Phó Giám đốc Sở Tài chính làm trưởng đoàn phối hợp UBND xã biên giới An Nông, thị xã Tịnh Biên tổ chức tặng 150 phần quà tết cho bà con nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã sáng ngày 5/1/2024.
Song song với công tác điều hành thu, chi ngân sách. Năm 2023 Sở Tài Chính An Giang tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác cải cách hành chính tại đơn vị. Sở đã ban hành Kế hoạch số 135/KH-STC ngày 13/02/2023 về tổ chức hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông năm 2023. Đã thực hiện báo cáo tình hình thực hiện công tác kiểm soát TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông quý I, II, III, IV năm 2023 đúng thời gian quy định. Trong năm 2023, tiếp tục thực hiện 14 TTHC hiện hành thuộc thẩm quyền của Sở; đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành 02 Quyết định công bố TTHC (01 TTHC mới ban hành và 17 TTHC bị bãi bỏ) và 02 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và phạm vi quản lý của Sở Tài chính. Kết quả thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC tính đến ngày 14/12/2023 là 746 hồ sơ trong đó có 724 hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả trực tuyến, 22 hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả trực tiếp. Trong đó, có 04 hồ sơ giải quyết trễ hạn do lỗi chưa cập nhật kịp thời trên hệ thống, tuy nhiên đã thực hiện quy trình xin lỗi đơn vị đúng quy định. Kết quả giải quyết TTHC cũng được công khai tiến độ thực hiện trên Cổng Dịch vụ công tỉnh. Đồng thời, thường xuyên rà soát, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành thuộc lĩnh vực Sở quản lý để kịp thời tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị bãi bỏ các văn bản, các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo. Trong năm 2023, không phát sinh TTHC phải cắt giảm. |
Theo Quốc Hưng (Vietnam Business Forum)