Năm 2025, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về giá
Sáng ngày 27/12, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai chương trình công tác năm 2025. Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Minh Tiến chủ trì Hội nghị với sự tham gia của các đại biểu đến từ các đơn vị trong ngành.
Công tác quản lý, điều hành giá được thực hiện đồng bộ
Báo cáo về kết quả công tác năm 2024, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Phạm Văn Bình cho biết, trong năm, Cục Quản lý giá đã nhận được hơn 21.000 văn bản đến, trong đó có khoảng gần 600 văn bản phải tổ chức triển khai trình Bộ hoặc hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giá, văn bản tham gia ý kiến với các đơn vị thuộc Bộ, trực thuộc Bộ để xây dựng, triển khai thực hiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật. Mặc dù năm 2024, Cục Quản lý giá gặp nhiều khó khăn, thách thức; tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành giá được triển khai đồng bộ trên các mặt công tác và đạt được hiệu quả khá toàn diện trên các lĩnh vực: hoàn thành kế hoạch xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch được giao (đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật giá); tăng cường công tác tổng hợp phân tích dự báo, điều hành giá theo định hướng thị trường có sự quản lý của Nhà nước; hoàn thành vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá; thực hiện định giá đối với phương án giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền định giá của Bộ Tài chính theo quy định tại Luật giá; công tác quản lý Nhà nước về thẩm định giá, hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá, tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá ...; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Bộ để triển khai các công việc theo chức năng nhiệm vụ, kế hoạch được giao cũng như các công việc đột xuất phát sinh...
Trong đó phải kể đến việc triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giá số 16/2023/QH15, Cục Quản lý giá đã chủ động tham mưu trong triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật giá, theo đó đã báo cáo Bộ trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định (Nghị định số 78/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giá về thẩm định giá; Nghị định số 85/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật giá, Nghị định số 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá); trình Bộ ban hành 13 Thông tư hướng dẫn Luật giá.
Đồng thời, tiếp tục soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi (Bộ Tài chính có công văn số 13488/BTC-QLG ngày 10/12/2024 gửi Bộ Tư pháp về việc xin ý kiến thẩm định dự thảo Nghị định); Tiếp tục soạn thảo dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự (đã trình Bộ có công văn số 12727/BTC-QLG ngày 22/11/2024 gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp).
Chủ động tham mưu về các giải pháp điều hành giá
Theo ông Bình, với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Cục Quản lý giá đã chủ động tham mưu với Lãnh đạo Bộ xây dựng kế hoạch và chuẩn bị tài liệu phục vụ các cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá và tổ chức các cuộc họp Nhóm giúp việc xây dựng các báo cáo họp Ban chỉ đạo điều hành giá định kỳ hàng quý và đột xuất; Phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng 3 Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều giá (dự kiến tổ chức 1 cuộc họp vào tháng 12/2024).
Ngay từ cuối năm 2023, trong vai trò cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành theo dõi sát nhằm nhận định diễn biến kinh tế, chính trị thế giới tác động đến trong nước; qua đó phân tích, đánh giá các yếu tố có thể tác động lên mặt bằng giá để xây dựng các kịch bản điều hành giá chi tiết theo từng quý và cả năm 2024; Đồng thời, liên tục cập nhật kịch bản điều hành giá theo từng tháng, quý để kịp thời báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá các giải pháp cho công tác quản lý, điều hành giá đảm bảo thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra năm 2024.
Việc xây dựng kịch bản điều hành giá sát với thực tiễn là một trong các cơ sở quan trọng cho việc định hướng, triển khai chính sách tài khóa phù hợp, phối hợp cùng với các chính sách tiền tệ, thương mại và các chính sách kinh tế vĩ mô khác một cách hiệu quả hướng đến mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt.
Việc chủ động trong công tác dự báo, đánh giá tác động, xây dựng kịch bản điều hành giá và tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương là yếu tố then chốt giúp cho việc kiểm soát lạm phát năm 2024, tạo cơ sở cho việc triển khai đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Đến thời điểm hiện nay, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát đã đảm bảo theo mục tiêu. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng đầu năm 2024 tăng 3,69% (Lạm phát mục tiêu Chính phủ đưa ra hiện nay căn cứ vào số liệu CPI bình quân chỉ tiêu khoảng 4-4,5%). Mặt bằng giá cả được kiểm soát để không có biến động đột biến về giá, nhất là đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Qua đó, công tác quản lý, điều hành giá đã làm tốt vai trò giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra, hỗ trợ phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Giám sát tốt hoạt động thẩm định giá
Trong năm 2024, công tác quản lý Nhà nước về thẩm định giá tiếp tục được tăng cường bằng cách thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật về thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức; tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thẩm định giá...
Cục Quản lý giá chủ động thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực thẩm định giá như cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; cập nhật thông tin về các doanh nghiệp và thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề, kịp thời thông báo để đảm bảo hoạt động ổn định của các doanh nghiệp cũng như thị trường thẩm định giá. Tính đến ngày 13/12/2024, đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cho 23 doanh nghiệp thẩm định giá, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cho 87 lượt doanh nghiệp thẩm định giá. Đồng thời, đã tiến hành đình chỉ 11 doanh nghiệp thẩm định giá và thu hồi 19 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Tính đến 13/12/2024, Cục Quản lý giá đã ban hành 33 Thông báo Danh sách thẩm định viên về giá được điều chỉnh hằng tháng và Danh sách thẩm định viên về giá được thông báo kèm theo khi doanh nghiệp được cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Đồng thời, chủ động tiến hành giám sát trên cơ sở báo cáo của các đơn vị có chức năng đào tạo, bồi dưỡng thẩm định giá trong quá trình triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng thẩm định giá, đăng ký đào tạo chuyên ngành thẩm định giá; công tác cập nhật kiến thức chuyên môn về thẩm định giá cho thẩm định viên về giá hành nghề; công tác bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá cho cán bộ, công chức…
Công tác định giá trong tố tụng hình sự tiếp tục phát sinh với nhiều vụ việc khó, phức tạp, với yêu cầu thời gian rất gấp. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Cục, các cán bộ được cử tham gia Hội đồng của các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Trong năm 2024, đã cử 09 lượt công chức tham gia làm thành viên Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự do các Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trưởng chủ trì thành lập để định giá tài sản thuộc lĩnh vực xây dựng, đất đai theo các yêu cầu định giá tài sản của cơ quan có thẩm quyền tố tụng. Đây đều là các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp liên quan đến nhiều cấp và được dư luận xã hội quan tâm, thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Kết quả định giá tài sản của các Hội đồng định giá nói trên đã giúp xác định giá trị của tài sản trong tố tụng hình sự phù hợp với giá thị trường, góp phần cùng cơ quan tố tụng xét xử các vụ án được chính xác, kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình xử lý vụ án hình sự.
Định hướng năm 2025
Phát biểu về phương hướng công tác trong năm 2025, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Minh Tiến cho biết, trong năm 2025, Cục Quản lý giá tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá như trình Bộ trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định thay thế liên quan đến dịch vụ thủy lợi và trong tố tụng hình sự.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức phổ biến, tuyên truyền, tập huấn pháp luật, nghiệp vụ về giá năm 2025 đối với các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, tiếp tục rà soát bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp sau khi Luật giá và các văn bản hướng dẫn Luật giá được ban hành.
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị sẽ tiếp tục chú trọng theo dõi sát diễn biến của thị trường và nâng cao công tác tổng hợp, phân tích dự báo, điều hành giá cả thị trường...để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra. Đồng thời, chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Dự kiến, trong năm 2025, Cục Quản lý giá sẽ triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về giá và thẩm định giá, trong đó kiểm tra 4 chuyên đề gồm mặt hàng nông, lâm thủy sản; tư liệu sản xuất; công nghiệp tiêu dùng và lĩnh vực thẩm định giá./.
Theo Mộc Lan (Cổng TTĐT BTC)