Skip to main content

Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công

(Chinhphu.vn) - Chính phủ ban hành Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 18/6/2024 về việc đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công.

hinh

Chính sách khuyến khích xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công đã mang lại nhiều mặt tích cực 

Tại Nghị quyết trên, Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương và một số cơ chế chính sách nhằm khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công để thực hiện mục tiêu về mở rộng, thu hút các nguồn lực, tiềm năng đầu tư trong xã hội và nâng cao chất lượng, số lượng của các loại hình dịch vụ sự nghiệp công. Để khuyến khích đầu tư của xã hội tham gia thành lập các cơ sở cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Đến năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP.

Đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa, về tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công đã được ban hành tương đối đầy đủ. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng đã quan tâm đến việc triển khai thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa; một số địa phương đã ban hành các chính sách ưu đãi đặc thù để khuyến khích và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở xã hội hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.

Kết quả thực hiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa cho thấy đã mang lại nhiều mặt tích cực như: (i) Bước đầu đã thay đổi nhận thức của xã hội trong việc sử dụng các dịch vụ sự nghiệp công do đơn vị sự nghiệp ngoài công lập cung ứng; (ii) Góp phần mở rộng mạng lưới, thu hút các nguồn vốn đầu tư ở trong nước và nước ngoài tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công; (iii) Đa dạng hoá loại hình, phương thức hoạt động và sản phẩm dịch vụ trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công, tạo sự cạnh tranh, phát triển kỹ thuật, thúc đẩy nâng cao chất lượng, góp phần giảm áp lực, sự quá tải trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời từng bước đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng cao của một bộ phận dân cư; (iv) Khuyến khích các cơ sở sự nghiệp công lập chủ động, phát huy sáng tạo trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư của xã hội thông qua huy động vốn, liên doanh, liên kết để mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ và góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức đơn vị; (v) Góp phần giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế: Việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện cụ thể của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các địa phương chưa đầy đủ, đồng bộ và theo kịp với tình hình phát triển; mức độ xã hội hóa trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công là không đồng đều, thường chỉ tập trung ở một số lĩnh vực, loại hình dễ thu lợi nhuận và tập trung ở các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội phát triển.

Hoàn thiện chính sách khuyến khích, ưu đãi xã hội hóa

Nghị quyết nêu rõ: Hiện nay, các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và tín dụng đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa đã được quy định mức ưu đãi cao nhất tại các Luật Thuế, Luật Đất đai và Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng. Theo đó, để đảm bảo việc thực hiện các chính sách ưu đãi khuyến khích xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công một cách đồng bộ, công khai minh bạch, tránh lợi dụng chính sách, cần thiết quy định cụ thể các chính sách ưu đãi trong các Luật: Luật Đất đai, Luật Thuế và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn các Luật chuyên ngành để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội khóa XV, Chính phủ đang trình Quốc hội dự án sửa đổi các Luật thuế và dự thảo các Nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ thống nhất chưa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 69/2008/NĐ-CP và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa.

Để khắc phục các tồn tại, bất cập trong công tác xã hội hóa và tiếp tục thu hút, mở rộng các nguồn lực đầu tư trong xã hội, tạo điều kiện cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công phát triển với số lượng và chất lượng cao hơn, đồng thời thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương nghiêm túc, khẩn trương tập trung triển khai hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/1/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW; Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

1- Hoàn thiện các chính sách ưu đãi khuyến khích xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, phí, tín dụng,... trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, thuế, đầu tư công, ngân sách nhà nước, tín dụng nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan; tiếp tục rà soát các chính sách ưu đãi khuyến khích xã hội hóa và các lĩnh vực xã hội hóa để kịp thời trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát sinh, tạo điều kiện hỗ trợ cho các đơn vị ngoài công lập, nhà đầu tư tham gia đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công. Cụ thể:

- Các bộ, ngành theo chức năng, lĩnh vực quản lý thực hiện tổng kết, đánh giá, rà soát các chính sách ưu đãi, khuyến khích lĩnh vực xã hội hóa và có văn bản đề xuất bổ sung các chính sách ưu đãi để đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công, bao gồm cả việc bổ sung, nghiên cứu quy định riêng về ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất khác với mức ưu đãi dành cho dự án đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 157 Luật Đất đai năm 2024, gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ Tài chính nghiên cứu, tổng hợp các nội dung đề xuất chính sách, giải pháp để báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi, bổ sung các Luật thuế. Đối với nội dung về ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất, Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ quy định sau khi báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 157 Luật Đất đai năm 2024. Thời gian hoàn thành theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, chương trình xây dựng Nghị định của Chính phủ.

- Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng các chính sách ưu đãi về đất đai tại các Nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai cho phù hợp.

- Chính phủ giao các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, sửa đổi, đơn giản hoá các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập các cơ sở ngoài công lập, giao đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở cung ứng dịch vụ sự nghiệp công ngoài công lập được thành lập và hoạt động có hiệu quả; bảo đảm không phát sinh hoặc làm phức tạp thêm thủ tục hành chính đang áp dụng; tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn viện trợ nhằm đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng dịch vụ giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ; có chính sách động viên, thu hút đội ngũ trí thức, người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, khám, chữa bệnh, hoạt động văn hóa, thi đấu thể thao...; rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách để khu vực tư bình đẳng với các doanh nghiệp, đơn vị thuộc nhà nước trong khả năng tiếp cận các nguồn lực trên thị trường.

2- Về tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở xã hội hóa

Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Kiểm toán nhà nước tại văn bản số 610/KTNN-TH ngày 17/10/2022, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về danh mục tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đại học đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Chính phủ giao các bộ quản lý ngành, lĩnh vực rà soát các quy định cụ thể về danh mục tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở xã hội hóa để đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời, đặc biệt là các tiêu chí về diện tích sử dụng đất, quy mô hoạt động đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành (như tỷ lệ tối đa sinh viên/giảng viên cơ hữu, số lượng trẻ, học sinh tối đa/1 lớp nhóm trẻ; quy mô giường bệnh; hiện vật bảo tàng....); đồng thời phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật, Nghị định hướng dẫn các chính sách ưu đãi xã hội hóa (Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường....) để đưa các nội dung quy định nguyên tắc về tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở xã hội hóa vào các Luật chuyên ngành hoặc Nghị định hướng dẫn chuyên ngành của các dự án Luật khi được ban hành, phù hợp với đặc thù của các lĩnh vực và đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.

3- Về danh mục và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công

Chính phủ giao các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các địa phương rà soát, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo nguyên tắc: Nhà nước đảm bảo kinh phí đối với các dịch vụ thiết yếu, hỗ trợ kinh phí đối với các dịch vụ cơ bản; các dịch vụ công khác không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, xác định giá theo cơ chế thị trường, đơn vị được quyết định các khoản thu, mức thu bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý, có tích luỹ để thu hút nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế ngoài công lập tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; thực hiện cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ mang tính đặc thù của một số ngành, lĩnh vực để tạo điều kiện cho các cơ sở ngoài công lập cùng tham gia.

Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng, lĩnh vực được phân công, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương thực hiện lộ trình cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với giá các dịch vụ sự nghiệp công quan trọng như y tế, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp... phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và Luật Quản lý giá; lựa chọn mức độ và thời điểm điều chỉnh đảm bảo hạn chế tác động mạnh đến mặt bằng giá cả và lạm phát, nhằm nâng cao số lượng và chất lượng dịch vụ công, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng giữa cơ sở công lập và ngoài công lập; gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách.

4- Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập và hoàn thiện cơ chế khuyến khích xã hội hóa tại các đơn vị sự nghiệp công lập

Chính phủ giao các bộ quản lý ngành lĩnh vực và các địa phương xây dựng hoặc hoàn thiện phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực để báo cáo Thủ tướng Chính phủ kế hoạch thực hiện theo nguyên tắc: (i) Đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo hình thức tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động (đăng ký chỉ tiêu cụ thể số lượng đơn vị chuyển đổi và các giải pháp thực hiện trên cơ sở phân loại khả năng xã hội hóa của các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ sự nghiệp công), kiên quyết chuyển sang cơ chế tự bảo đảm hoàn toàn về tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công có khả năng xã hội hóa cao trên cơ sở Nhà nước thực hiện lộ trình bảo đảm kinh phí hoạt động có thời hạn; (ii) Trường hợp cần thiết phải thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập, thì đơn vị đó phải tự bảo đảm toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu); (iii) Đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện thành công ty cổ phần.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

5- Về công tác kiểm tra, giám sát và báo cáo

Chính phủ giao các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các địa phương tăng cường trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công. 

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công (bao gồm cả tình hình thực hiện xã hội hoá) đảm bảo chất lượng dịch vụ sự nghiệp; kịp thời xử lý các vướng mắc và cập nhật, bổ sung các chính sách chế độ cho phù hợp với thực tiễn; kiến nghị kịp thời với các cơ quan chủ trì các chính sách ưu đãi về xã hội hóa (đất đai, tín dụng, thuế...) để hoàn thiện pháp luật...

Theo Phương Nhi (Chinhphu.vn)