Quy chế tiếp công dân của Sở Tài chính tỉnh An Giang
QUY CHẾ
Tiếp công dân của Sở Tài chính tỉnh An Giang
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1673 /QĐ-STCngày 15 tháng 12 năm 2021 của Giám đốc Sở Tài chính)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Sở Tài chính tỉnh An Giang.
2. Quy chế này được áp dụng đối với công chức, viên chức, người lao động và các phòng, trung tâm thuộc Sở Tài chính có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân hoặc được giao nhiệm vụ tiếp công dân.
Điều 2. Mục đích của việc tiếp công dân
1. Hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng quy định pháp luật, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật tiếp công dân.
2. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Chương II
TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN
Điều 3. Trách nhiệm tiếp công dân
1. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân, bao gồm:
a) Sở Tài chính;
b) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tài chính: Trung tâm Thẩm định và Dịch vụ Tài chính.
2. Các phòng chuyên môn thuộc Sở có nghĩa vụ tiếp công dân theo yêu cầu của Giám đốc Sở Tài chính và cử công chức phối hợp với Thanh tra Sở khi có yêu cầu.
Điều 4. Việc tổ chức tiếp công dân thường xuyên của Sở Tài chính
1. Giám đốc Sở Tài chính: Thanh tra Sở giúp Giám đốc Sở tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại Phòng Tiếp công dân của Sở Tài chính; chủ trì tổ chức, phối hợp với các phòng, trung tâm thuộc Sở trong việc tiếp công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.
a) Giám đốc Sở trực tiếp hoặc tùy theo nội dung phân công Phó Giám đốc Sở tiếp công dân định kỳ vào ngày 20 hàng tháng tại Phòng Tiếp công dân của Sở Tài chính; trong trường hợp ngày tiếp công dân định kỳ của Giám đốc Sở trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ hoặc công tác đột xuất thì tiếp vào ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp không thể thực hiện việc tiếp công dân theo lịch đã công bố vì lý do khách quan thì có thể lùi lịch tiếp công dân sang thời gian khác.
b) Ngoài thời gian tiếp công dân định kỳ hàng tháng, Giám đốc Sở trực tiếp hoặc tùy theo nội dung phân công Phó Giám đốc Sở tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp sau đây:
- Khi người dân có yêu cầu tiếp đột xuất (đăng ký nội dung với người tiếp công dân để Giám đốc Sở xem xét xếp lịch tiếp)
- Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau;
- Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của công dân hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
2. Trung tâm Thẩm định và Dịch vụ Tài chính có trách nhiệm bố trí địa điểm và tổ chức tiếp công dân theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Lãnh đạo các phòng, Trung tâm thuộc Sở tiếp công dân
1. Chánh Thanh tra Sở cử công chức tiếp công dân; giúp Giám đốc Sở tổ chức tiếp công dân. Chủ trì, phối hợp với Lãnh đạo các phòng chuyên môn và Lãnh đạo Trung tâm Thẩm định và Dịch vụ Tài chính trong việc tiếp công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị theo quy định.
2. Giám đốc Trung tâm Thẩm định và Dịch vụ Tài chính sắp xếp lịch tiếp công dân định kỳ ít nhất một ngày trong một tháng. Ngoài thời gian tiếp công dân định kỳ, còn thực hiện tiếp công dân đột xuất khi công dân có yêu cầu hoặc theo chỉ đạo của Giám đốc Sở. Ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân và tổ chức tiếp công dân tại cơ quan, đơn vị mình theo quy định của pháp luật và phù hợp với Quy chế này.
3. Trưởng các phòng chuyên môn có nghĩa vụ tiếp công dân theo phân công của Giám đốc Sở.
Điều 6. Người thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân
1. Người thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân là công chức hoặc viên chức thuộc biên chế của Sở Tài chính, Trung tâm thuộc Sở có đủ tiêu chuẩn theo khoản 1 Điều 34 Luật Tiếp công dân, được Lãnh đạo Sở, Trung tâm giao làm nhiệm vụ tiếp công dân tại nơi Tiếp công dân (sau đây gọi chung là người tiếp công dân).
2. Người tiếp công dân gồm:
a) Người tiếp công dân thường xuyên;
b) Người tiếp công dân khi được giao.
Điều 7. Thời gian, địa điểm tiếp công dân
1. Việc tiếp công dân của Sở Tài chính được thực hiện tại Phòng Tiếp công dân.
2. Trung tâm Thẩm định và Dịch vụ Tài chính có trách nhiệm bố trí địa điểm và tổ chức tiếp công dân tại trụ sở của đơn vị theo quy định.
3. Nơi Tiếp công dân phải được bố trí tại vị trí thuận tiện, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được dễ dàng, thuận lợi.
4. Tại nơi Tiếp công dân, phải niêm yết Nội quy tiếp công dân, Lịch tiếp công dân, hướng dẫn về quy trình tiếp công dân, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA LÃNH ĐẠO CÁC PHÒNG,
TRUNG TÂM THUỘC SỞ VÀ CỦA NGƯỜI TIẾP CÔNG DÂN
Điều 8. Trách nhiệm của lãnh đạo các phòng, trung tâm thuộc Sở
1. Trong việc tiếp công dân, người đứng đầu các phòng, trung tâm có trách nhiệm theo quy định tại điểm h khoản 1, khoản 2 Điều 10 và Điều 13 Quy chế này.
2. Trong việc tiếp công dân định kỳ của Giám đốc Sở :
a) Phòng Tài chính Doanh nghiệp - Tin học Thống kê có trách nhiệm thông báo về lịch tiếp công dân định kỳ của Giám đốc Sở Tài chính tại Điều 4 của Quy chế này trên Cổng thông tin điện tử của Sở;
b) Văn phòng Sở có trách nhiệm chuẩn bị nơi phục vụ cho việc tiếp công dân của Giám đốc Sở, bảo đảm an ninh trật tự tại nơi Tiếp công dân; tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi qua đường bưu điện trình Ban Giám đốc xử lý;
c) Thanh tra Sở có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các phòng, trung tâm thuộc Sở chuẩn bị kế hoạch, nội dung phục vụ việc tiếp công dân thường xuyên và đột xuất của Giám đốc Sở, báo cáo Giám đốc Sở xem xét, xử lý;
d) Các phòng, trung tâm thuộc Sở đang thụ lý giải quyết các vụ việc mà Giám đốc Sở tiếp công dân thì có trách nhiệm chủ động chuẩn bị nội dung, hồ sơ, tài liệu; phối hợp với Thanh tra Sở phục vụ cho việc tiếp công dân của Giám đốc Sở;
đ) Khi Giám đốc tiếp công dân, Chánh Thanh tra Sở, Chánh Văn phòng Sở, người đứng đầu các phòng, trung tâm thuộc Sở phụ trách lĩnh vực công tác có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; theo yêu cầu của Giám đốc có trách nhiệm cùng tham dự.
Điều 9. Quan hệ giữa Chánh Thanh tra Sở với Lãnh đạo các phòng, trung tâm thuộc Sở
1. Khi có vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của phòng, trung tâm thì Lãnh đạo phòng, trung tâm đó có trách nhiệm phối hợp với Chánh Thanh tra Sở và Chánh Văn phòng Sở tham gia bàn giải pháp, báo cáo Ban Giám đốc xem xét giải quyết.
2. Nếu nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của nhiều đơn vị thuộc Sở thì Chánh Thanh tra Sở chủ trì, phối hợp với người đứng đầu các phòng, trung tâm có chức năng quản lý lĩnh vực đó tiến hành xác minh, báo cáo kết quả trình ban Giám đốc Sở xem xét chỉ đạo.
3. Chánh Văn phòng Sở phối hợp Chánh Thanh tra Sở chủ động xử lý kịp thời các trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 10 Quy chế này; tham mưu Ban Giám đốc bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết tại Phòng Tiếp công dân của Sở.
Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của người tiếp công dân thường xuyên và khi được giao nhiệm vụ
1. Người tiếp công dân có nhiệm vụ:
a) Là đầu mối tiếp xúc để nắm rõ mục đích, yêu cầu, nguyện vọng của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, ghi vào sổ theo dõi tiếp công dân theo quy định; thực hiện việc điều phối hoạt động tiếp công dân của các phòng, trung tâm thuộc Sở tiếp công dân tại Phòng Tiếp công dân;
b) Giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết;
c) Hướng dẫn người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh viết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định.
Trong trường hợp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày trực tiếp, người tiếp công dân thường xuyên ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do người được tiếp trình bày, nội dung nào chưa rõ thì đề nghị người được tiếp trình bày thêm, sau đó đọc lại cho người được tiếp nghe và đề nghị người được tiếp ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào biên bản;
d) Hướng dẫn công dân cử đại diện trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong trường hợp có nhiều người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung;
đ) Hướng dẫn công dân viết thành đơn có nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh riêng trong trường hợp đơn có nhiều nội dung;
e) Trực tiếp xử lý hoặc phân loại, chuyển đơn, trình người có thẩm quyền xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân;
g) Thông báo cho Lãnh đạo phòng, trung tâm thuộc Sở tiếp công dân hoặc cử công chức, viên chức tiếp công dân khi công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của phòng, trung tâm đó trong trường hợp vượt quá khả năng hướng dẫn, giải thích của mình;
h) Giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích người tố cáo trừ khi người tố cáo đồng ý công khai; không được tiết lộ những thông tin có hại cho người tố cáo; áp dụng hoặc báo cáo người có thẩm quyền áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo theo quy định của pháp luật;
i) Tổng hợp, báo cáo các trường hợp công dân đề nghị Giám đốc Sở tiếp;
k) Lập Giấy biên nhận theo mẫu thành 02 bản, ghi lại tên các thông tin, tài liệu, bằng chứng đã nhận, tình trạng thông tin, tài liệu, bằng chứng và đề nghị người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ký vào Giấy biên nhận, giao 01 bản cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, 01 bản đưa vào hồ sơ; báo cáo người đứng đầu đơn vị mình để xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật;
l) Khi có vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp thì báo cáo Chánh Thanh tra Sở, Giám đốc Sở để xem xét, giải quyết theo quy định;
m) Giúp Chánh Thanh tra Sở, Giám đốc Sở theo dõi, thống kê, tổng hợp, báo cáo tình hình tiếp công dân.
2. Người tiếp công dân có quyền:
a) Yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ và xuất trình giấy tờ tuỳ thân hoặc giấy ủy quyền (nếu có) theo quy định của pháp luật.
b) Yêu cầu Luật sư hoặc Trợ giúp viên pháp lý xuất trình thẻ luật sư, thẻ trợ giúp viên pháp lý và giấy ủy quyền khiếu nại trong trường hợp người khiếu nại ủy quyền cho Luật sư hoặc Trợ giúp viên pháp lý thực hiện việc khiếu nại;
c) Yêu cầu công dân trình bày rõ ràng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong trường hợp họ không có đơn; đề nghị công dân viết lại đơn hoặc viết bổ sung vào đơn những nội dung chưa rõ, còn thiếu nếu đơn không rõ ràng, chưa đầy đủ; yêu cầu công dân cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận, thụ lý vụ việc;
d) Từ chối tiếp nhận những nội dung mà công dân đến khiếu nại không thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Sở Tài chính, đồng thời hướng dẫn công dân khiếu nại đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật;
đ) Từ chối tiếp những người đến Phòng Tiếp công dân trong các trường hợp quy định tại Điều 9 Luật Tiếp công dân;
e) Yêu cầu người vi phạm Nội quy tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; đề nghị Bảo vệ cơ quan Sở Tài chính có biện pháp giữ gìn an ninh, trật tự tại địa điểm tiếp công dân và bảo đảm an toàn cho công chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, nếu cần thiết lập biên bản về việc vi phạm, đồng thời báo cáo ngay Chánh Thanh tra Sở, Chánh Văn phòng Sở để phối hợp xử lý tình hình, xin ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Sở và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Trang phục, thái độ của người tiếp công dân
1. Khi tiếp công dân, người tiếp công dân phải bảo đảm trang phục chỉnh tề, có đeo thẻ công chức, viên chức hoặc phù hiệu theo quy định.
2. Người tiếp công dân phải có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.
Chương IV
HOẠT ĐỘNG TIẾP CÔNG DÂN
Điều 12. Công bố thông tin về việc tiếp công dân
Văn phòng Sở và trung tâm thuộc Sở có trách nhiệm niêm yết công khai thông tin về việc tiếp công dân tại Phòng Tiếp công dân, tại địa điểm tiếp công dân của trung tâm thuộc Sở và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Sở về các nội dung sau:
1. Địa điểm tiếp công dân;
2. Thời gian tiếp công dân thường xuyên;
3. Lịch tiếp công dân của Giám đốc Sở theo khoản 1 Điều 4 Quy chế này, lịch tiếp công dân của người đứng đầu đơn vị trực thuộc Sở.
Điều 13. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
1. Khi công dân đến trình bày trực tiếp và không có đơn thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung trình bày của công dân; nội dung nào chưa rõ thì đề nghị công dân trình bày thêm, sau đó đọc lại cho công dân nghe và đề nghị họ ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
2. Trường hợp công dân đến trình bày và có đơn với nội dung cụ thể, rõ ràng, có thể xác định được rõ tính chất vụ việc và cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp nhiều người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung thì người tiếp công dân hướng dẫn họ cử người đại diện để trình bày; ghi lại nội dung trình bày và đề nghị người đại diện ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
4. Trường hợp công dân trình bày nhiều nội dung, vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.
5. Việc tiếp nhận, ghi chép nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và việc hướng dẫn công dân viết đơn phải được ghi vào Sổ tiếp công dân hoặc được nhập vào phần mềm cơ sở dữ liệu về tiếp công dân.
Điều 14. Phân loại, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
1. Việc phân loại, xử lý nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được căn cứ vào bản ghi nội dung trình bày hoặc đơn của công dân và thực hiện theo Thông tư số 05/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ.
2. Ý kiến trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài chính, Trung tâm Thẩm định và Dịch vụ Tài chính thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết đơn gửi đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị mình thì người tiếp công dân tiếp nhận các thông tin, tài liệu để báo cáo người có thẩm quyền giải quyết. Nếu công dân cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân xem xét để tiếp nhận các thông tin, tài liệu, chứng cứ đó. Việc tiếp nhận thông tin, tài liệu, chứng cứ được thực hiện bằng giấy biên nhận theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Điều kiện đảm bảo cho hoạt động tiếp công dân
Người làm công tác tiếp công dân, cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh được hưởng chế độ bồi dưỡng và các chế độ khác theo quy định.
Điều 16. Trách nhiệm của Chánh Thanh tra Sở và Lãnh đạo các phòng, trung tâm thuộc Sở
1. Chánh Thanh tra Sở giúp Giám đốc quản lý công tác tiếp công dân của Sở Tài chính; chủ trì, phối hợp với Lãnh đạo các phòng, trung tâm thuộc Sở tổ chức việc tiếp công dân; theo dõi, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện định kỳ theo quy định.
2. Lãnh đạo các phòng, trung tâm thuộc Sở trong phạm vi trách nhiệm của mình có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế này.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, Chánh Thanh tra Sở phối hợp Lãnh đạo các phòng, trung tâm thuộc Sở kịp thời báo cáo đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.