Đề xuất sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua trang thiết bị trong dự án đã đầu tư xây dựng
(Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.
Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng Nghị định nhằm tháo gỡ vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo hoạt động thường xuyên của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời là cơ sở pháp lý để Chính phủ báo cáo Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 (phần kinh phí chưa giao đầu năm) đối với các nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị máy móc; cải tạo, nâng cấp, mở rộng các hạng mục công trình đã đầu tư xây dựng.
Nguyên tắc bố trí dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước
Việc bố trí kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng được thực hiện theo nguyên tắc phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí theo quy định của pháp luật; không trùng lắp với các nhiệm vụ có cùng nội dung đã được bố trí từ nguồn chi đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Việc xây dựng dự toán, quản lý sử dụng kinh phí và quyết toán kinh phí chi thường xuyên thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan.
Việc bố trí kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo.
Lập dự toán kinh phí mua sắm tài sản, trang thiết bị
Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công được quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị; các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng và quản lý tài sản xác định nhu cầu bổ sung, sửa chữa, nâng cấp, thay thế hoặc thuê tài sản trong năm kế hoạch theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công từ nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước để trình cơ quan quản lý cấp trên xem xét, phê duyệt nhiệm vụ và dự toán mua sắm tài sản, trang thiết bị của năm kế hoạch.
Nội dung nhiệm vụ cần thuyết minh chi tiết về tài sản, trang thiết bị máy móc còn thiếu so với tiêu chuẩn định mức trang bị tài sản, trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động của cơ quan đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sự cần thiết, lý do thực hiện và xác định rõ nhu cầu bổ sung, sửa chữa, nâng cấp, thay thế hoặc thuê tài sản trong năm kế hoạch theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; dự kiến kinh phí thực hiện từ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước.
Thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Các Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương chịu trách nhiệm về sự cần thiết, sự phù hợp với nguyên tắc, tiêu chí, đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi, định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; chịu trách nhiệm về hồ sơ rà soát để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và hiệu quả của nhiệm vụ được phê duyệt.
Phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí mua sắm tài sản, trang thiết bị
Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ, giao dự toán chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị sử dụng ngân sách phải đảm bảo khớp đúng dự toán chi được Thủ tướng Chính phủ giao, Hội đồng nhân dân quyết định, Ủy ban nhân dân giao về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Căn cứ dự toán kinh phí chi thường xuyên được Thủ tướng Chính phủ giao, Hội đồng nhân dân quyết định, các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện phân bổ dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị theo trình tự như sau:
- Trường hợp dự toán kinh phí được giao bằng với dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, các cơ quan, đơn vị thực hiện phân bổ kinh phí dự toán chi thường xuyên cho đơn vị sử dụng ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ.
- Trường hợp dự toán kinh phí được giao thấp hơn so với dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, các cơ quan, đơn vị rà soát lại nội dung kinh phí thực hiện nhiệm vụ để ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ và dự toán kinh phí, đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ không vượt quá tổng mức dự toán chi thường xuyên phân bổ cho cơ quan, đơn vị.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Theo Khánh Linh (Chinhphu.vn)