Skip to main content

Đề xuất hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng cho người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng

(Chinhphu.vn) - Bộ Nội vụ đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định về mức hỗ trợ đối với người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng nhằm tạo cơ chế khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng.

Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay, việc xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Với sự phát triển của cơ sở hạ tầng viễn thông, nền kinh tế số đã được hình thành, phát triển ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế.

Công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng là 3 hoạt động độc lập (điều chỉnh bởi Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Luật An ninh mạng năm 2018) nhưng có sự liên kết chặt chẽ với nhau, trong đó "An toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số và sự phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên số. An toàn, an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài nhằm khởi tạo và duy trì môi trường mạng an toàn, lành mạnh, tin cậy cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi người dân. Đầu tư cho an toàn, an ninh mạng là đầu tư cho phát triển bền vững và tạo ra giá trị". 

Theo đó, để đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số thì yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin cùng với việc nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và tăng cường các nguồn lực tài chính là cấp bách. 

Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin đang có tình trạng dịch chuyển ngày càng tăng từ khu vực công sang khu vực tư mà nguyên nhân chủ yếu là do môi trường làm việc và chính sách tiền lương, thu nhập của đối tượng này còn nhiều bất cập.

Đến nay, trong thời gian hoàn thiện chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về chuyển đổi số và để kịp thời có quy định mức hỗ trợ đối với người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng thì việc ban hành Nghị định quy định việc hỗ trợ đối với các đối tượng này là cần thiết.

Đề xuất hỗ trợ 5.000.000 đồng/1 người/1 tháng

Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về mức hỗ trợ đối với người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng nhằm tạo cơ chế khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng; triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính.

Dự thảo Nghị định này áp dụng đối với:

Người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn mạng, gồm: Cán bộ, công chức, viên chức đảm nhiệm vị trí việc làm chuyên trách về công nghệ thông tin (bao gồm: công nghiệp công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số); an toàn thông tin mạng hoặc an toàn thông tin; giao dịch điện tử theo quy định về vị trí việc làm chuyên môn dùng chung và vị trí việc làm chuyên ngành của cơ quan có thẩm quyền.

Người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng, gồm: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật thuộc Công an nhân dân; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân; người làm công tác cơ yếu thuộc Quân đội nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đang phục vụ tại ngũ theo vị trí việc làm.

Các đối tượng quy định trên gọi chung là người làm công tác chuyên trách. Theo đó, dự thảo Nghị định đề xuất mức hỗ trợ là 5.000.000 đồng/01 người/01 tháng (bằng 0,7 lần mức lương bậc 1 của ngạch chuyên viên). 

Thời gian không được tính hưởng mức hỗ trợ

Theo dự thảo, thời gian không được tính hưởng mức hỗ trợ bao gồm:

1- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên.

2- Thời gian nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3- Thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc đình chỉ công tác từ 1 tháng trở lên.

4- Thời gian được cơ quan có thẩm quyền điều động đi công tác, học tập, làm việc mà không trực tiếp làm công tác chuyên trách liên tục từ 1 tháng trở lên.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Minh Hiển (Chinhphu.vn)