Quá trình hình thành và phát triển
Đang cập nhật.....
A. Công tác tài chính trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)
I. Vài nét về tình hình kinh tế - tài chính của An Giang trước năm 1945
Sau khi lên ngôi (1802), vua Gia Long rất chú trọng khai phá miền Hậu Giang, nhất là vùng “Châu Đốc tân cương”, khuyến khích cư dân khẩn hoang, cho vay vốn, nông cụ, miễn đóng thuế ...
Bản chất vua quan phong kiến là vơ vét. Nhưng trước tình hình đặc thù của An Giang (phức tạp về chính trị, thiếu vốn đầu tư, kỹ thụật canh tác lạc hậu...) Gia Long rồi Minh Mạng phải tỏ ra thực tiễn, “khoan dung”, ít ra cũng về hình thức.
Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), Tổng trấn thành Gia Định tâu:
‘'Hạt Châu Đốc là vùng cương giới mới mẽ, ruộng đất chưa được khai khẩn hết xin được triển hoãn việc thâu thuế. ”
Nhà vua dụ rằng: “Đất đó là vùng biên giới quan trọng của quốc gia, trẫm muốn vì nhân dân gìn giữ nó, cho nên đặc biệt phải chú ý tới việc cai trị, đó là chính sách và kế hoạch biên phòng. Còn vấn đề thuế khóa đinh, điền, đâu phải là việc đặt ra ưu tiên”. Rồi Minh Mạng ra lệnh miễn thuế 3 năm.
Ngay trong năm sau, năm 1831, Tổng trấn thành Gia Định lại tâu: “Vùng Châu Đốc làng xã mới thiết lập, địa thế ruộng đất khó khai khẩn.”
Nhà vua phán cho bộ Hộ rằng: Đồn Châu Đốc là vùng địa đầu quan yếu, ta đã từng xuống chỉ chiêu tập dân buôn bán, cho vay tiền gạo để lập ấp khẩn điền, quây quần sinh nhai. Đó là ý niệm quan trọng của ta trong vấn đề củng cố biên cương. Buổi đầu, việc khai khẩn còn khó khăn, thuế khóa đã được triển hạn nhiều lần.
“Hồi năm ngoái, quan trấn thành (Gia Định) đã có lời xin, lần thứ hai trẫm đã khoan miễn cho 3 năm liền thuế thân và tiền làm sưu (xâu) và thuế buôn bán. Và đã phán bảo phải dùng nhiều biện pháp để chiêu dụ, thu nạp dân, để cho đồng áng ngày càng mở mang, cuộc sông khả quan. Đã hơn một năm nay rồi mà chưa thấy thi thố, phát triển được gì, mà đã vội cho là tình trạng khó khăn, đó phải chăng là lối làm việc tắc trách cho xong chuyện.
Nay truyền chỉ cho thành thần phải nghiêm sức cho các viên chức của đồn phải tất tâm thi thố, làm cho đất rộng dân đông, kỳ hạn đúng 3 năm nữa phải có đủ hồ sơ tâu về triều đình khen thưởng, không thể đưa lý do là tình hình khó khăn mãi được”.
Năm 1832, tỉnh An Giang được thành lập. Năm 1842, vua Thiệu Trị ra lệnh đưa tù phạm đi khai phá đất hoang ở An Giang. Năm 1851, Tự Đức cho đưa tù phạm ở khắp nơi đến khai hoang đất Nam bộ. Và năm 1852, theo lời tâu của Nguyễn Tri Phương, Tự Đức lại cho đem những tội đồ từ 3 năm trở xuống và người không rõ lai lịch ở 6 tỉnh Nam bộ đến tỉnh An Giang để khai phá đất hoang, làm ruộng... Theo Đại Nam Nhất thống chí, diện tích khai phá ở An Giang vào thời gian này (triều Tự Đức) là 88.336 mẫu (lúc này An Giang gồm cả vùng Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng).
Ngày 22/6/1867, thực dân Pháp chiếm An Giang. Từ năm 1871 đến 1899, Pháp chia An Giang thành các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng. Theo số liệu của Pháp vào năm 1868, Nam bộ có 1.204.278 người. Trong đó Long Xuyên có 60.112 người, Châu Đốc 85.686 người (cao nhất trong 5 tỉnh thuộc An Giang), về diện tích đất khai phá vào năm 1868 ở Châu Đốc là 13.419 ha, Long Xuyến 9.445 ha. Trong đó diện tích trồng lúa độ 79%, còn lại là hoa màu. Cho đến giữa thế kỷ XIX, ở An Giang có 12 chợ.
Việc thực dân Pháp tiến chiếm Nam Kỳ đã diễn ra cùng thời với các cuộc bành trướng thuộc địa của các nước châu Âu trong mục đích tìm kiếm thị trường để giải quyết khó khăn cho sự phát triển kỹ nghệ của họ.
Nhưng việc đánh chiếm Nam kỳ làm thuộc địa cũng gặp những khó khăn do chính nội bộ của Pháp. Lúc này, đệ tam đế chế đang gặp khủng hoảng. Chỗ dựa chính của Napoléon III là phe Bảo thủ - phe ủng hộ việc đánh chiếm Nam kỳ. Nhưng phe tả lại đắc thắng trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1863, lại không mấy thiện cảm với những cuộc viễn chinh bành trướng thuộc địa. Mặt khác, trước những tốn kém chỉ đưa đến thất bại của Pháp tại Mexico, người Pháp đã chán ngán vì đóng góp cho các cuộc chiến tranh thuộc địa.
Trong bối cảnh đó, những người chủ trương chiếm Nam kỳ làm thuộc địa - tức các đô đốc và sĩ quan hải quân, các dân biểu của các hải cảng, giới thương gia, tài phiệt và kỹ nghệ gia, thấy phải tìm cách chứng minh rằng việc xâm lược Nam kỳ không phải là một gánh nặng cho ngân sách của mẫu quốc. Chính quyền thực dân tại xứ thuộc địa mới này chấp nhận đòi hỏi phải tự túc về mặt tài chính. Và các đô đốc đã chứng tỏ là thuộc địa mới có khả năng. Ngân sách của thuộc địa Nam kỳ, ngay từ những năm đầu dưới thời thuộc Pháp, chẳng những đã cáng đáng nổi những chi tiêu khổng lồ của một nền hành chính cồng kềnh tại chính thuộc địa, mà còn có thể chi viện cho cuộc xâm lăng của Pháp tại Bắc kỳ và góp phần vào chính ngân sách của chính quốc nữa.
Chính quyền thuộc địa mới chủ yếu dựa vào chính sách thuế má để xây dựng ngân sách đã được coi là dồi dào của mình. Tính ra tiền Pháp lúc bấy giờ, trong khi dưới thời các vua triều Nguyễn, Nam kỳ đóng chứa tới 2 triệu đồng tiền thuế, thì vào năm đầu tiên của thồi kỳ thuộc Pháp, Nam kỳ đã phải đóng thuế 5.375.000 đồng, năm 1871 là 10.17.4.000 đồng và năm 1879 trên 10 triệu đồng. Nghĩa là trong vòng 20 năm, số thuế thu được đã tăng gấp 10 lần.
Để có được số thuế nói trên, chính quyền thực dân đã tổ chức bán đất hoang cho những người khai phá. Như báo cáo trước Hội đồng quản hạt năm 1886 có nêu: “... việc bán đất, cùng với thuế hải quan, là nguồn tự nhiên của tài sản của các thuộc địa”. “...Ngoài số tiền do việc bán đất trực tiếp mang lại, việc bán đất nhà nước đem lại cho thuộc địa lợi tức trực tiếp của thuế điền địa và thuế gián tiếp có thể đánh trên sản phẩm được đem ra bán hoặc chế biến...”.
Nếu nhự dưới triều Nguyễn việc buôn bán, xuất khẩu thóc gạo bị cấm để giữ giá gạo và phục vụ tiêu dùng tại chỗ, thì chỉ 5 ngày sau khi chiếm Sài Gòn, đô đốc Page đã mở cảng Sài Gòn cho các nước vào buôn bán và tuyên bố việc buôn bán thóc gạo được hoàn toàn tự do. Điều này tác động đến việc khai thác ruộng đất vào sản xuất hàng hóa.
Quá trình thông trị của thực dân Pháp là quá trình tiến hành bóc lột sức người, sức của với chính sách kinh tế rất bảo thủ và phản động, duy trì lối bóc lột phong kiến kết hợp với bóc lột tư bản chủ nghĩa.
Bộ mặt của thực dân Pháp ngày càng lộ rõ khi chúng đã xác lập vững chắc quyền lực chính trị, quân sự, kinh tế. Theo chính sách Tài chính ban hành năm 1898 thì Đông Dương phải tự chịu trách nhiệm về tài chính, thu lấy mà chi, chính quốc không có trợ cấp. Ngược lại, hàng năm phải đóng góp vào ngân sách nước Pháp khoản chi phí về quân sự, mỗi năm một tăng.
Công cuộc cải cách quan trọng nhất trong thời kỳ này là bãi bỏ chế độ trúng thầu thuế quan để thay bằng chế độ công quản và do quan chức Pháp chỉ huy điều hành kiểm soát trực tiếp. Có 3 thứ công quản lớn là rượu, muối, thuốc phiện với tổ chức chuyên trách là Tổng nha thuế quan (toàn quốc 2.842 người).
Để khai thác được nhiều tài nguyên, nguồn lợi, Pháp cho tiến hành xây dựng một số cơ sở vật chất kỹ thuật như đào kênh, làm lộ, bến cảng, trụ sở... Từ năm 1903 Pháp lập Sở Thương chánh (nhà Đoan) tại Tân Châu... để kiểm soát và thu thuế. Người dân phải chịu chế độ thuế khóa nặng nề và hết sức vô lý như: thuế đất, thuế muối, thuế trâu bò, thuế ghe, thuế cư trú, thuế chợ, thuế đường, thuế thuốc lá... Đặc biệt là thuế đinh (thuế thân) hàng năm phải nộp 3 - 5 đồng/người, có lúc lên 7 đồng/người (trong khi giá trung bình của lúa 1 đồng / 1 giạ).
Thuế nộp cho bọn quan lại kỳ hào trong thôn xã, lại còn thuế nộp cho ngân sách tỉnh, xứ và ngân sách Đông Dương.
Xác định Nam kỳ là xứ thuộc địa nông nghiệp, thực dân Pháp mong muôn kiếm nhiều tài chính cho ngân sách thuộc địa qua nguồn khai thác nông sản và cũng nhằm tạo ra một tầng lớp địa chủ người Pháp và bản xứ làm chỗ dựa cho chế độ thuộc địa.
Trước hết là chính sách bao chiếm ruộng đất gắn liền theo đó là tô, thuế. Tô, thuế không thống nhất nhưng lại bị bọn địa chủ nâng cao thêm. Thuế nộp bằng tiền hoặc trả bằng lúa và thuế ruộng thường chia làm 3 loại theo loại đất: tốt, trung bình, xấu. Lúc đầu thu nửa giạ 1 công, sau tăng lên 2 -3 giạ, có khi tới 4 - 5 giạ.
Từ bảng thống kê diện tích trồng lúa dưới đây ở Long Xuyên - Châu Đốc, cho thấy nguồn lợi từ khoản tô, thuế và cả xuất cảng gạo, phục vụ chính quốc là không nhỏ.
Năm Tỉnh |
1872 |
1876 |
1879 |
1881 |
1888 |
1898 |
1908 |
Long Xuyên |
14.443 |
11.876 |
13.757 |
22.572 |
39.776 |
42.360 |
69.717 |
Châu Đốc |
832 |
1.000 |
1.325 |
1.400 |
10.335 |
15.302 |
34.597 |
Đơn vị tính: hecta (ha)
Năm Tỉnh |
1913 |
1921 |
1930 |
1942 |
1944 |
1945 |
1946 |
Long Xuyên |
80.000 |
75.000 |
105.600 |
161.000 |
167.000 |
75.000 |
82.000 |
Châu Đốc |
38.000 |
134.000 |
87.200 |
97.000 |
103.000 |
35.000 |
48.000 |
Từ sau chiến tranh thế giới 1914 - 1918, thực dân Pháp tiến hành khai thác Đông Dương một cách toàn diện, triệt để với qui mô lớn hơn trước để bóc lột sức người, sức của bù đắp cho thiệt hại của chúng trong chiến tranh.
Long Xuyên - Châu Đốc là 2 tỉnh mới khai thác sau, nhưng được Pháp xem là một trong những trọng điểm vơ vét lúa gạo, bóc lột nhân công quan trọng ở Nam kỳ. Nhờ giao điểm thuận lợi, năm 1930 tỉnh lỵ Long Xuyên là tụ điểm gom lúa gạo xuất khẩu đứng vào hàng nhì (14.040 tấn) chỉ sau Cần Thơ (14.360 tấn).
Chúng còn ra sức vơ vét thêm bằng các loại sưu, thuế và độc quyền muối, rượu, xuất nhập khẩu... Năm 1928, chỉ riêng nhà máy rượu Thốt Nốt (Long Xuyên) đã bán ra 450.000 lít với giá 3,5 cắc/lít (trong khi lúa 1 - 1,2 đồng/giạ). Và năm 1935, nhà máy rượu Thốt Nốt (Long Xuyên) sản xuất gần 800.000 lít rượu. Riêng thuế thân, từ 6,7 đồng còn 5,7 đồng nhưng gạo mất giá chỉ còn 1,5 đồng / 1 tạ 60 kg.
Giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo và bị bóc lột nặng nề nhất ở nông thôn. Thực dân thì bóc lột bằng thuế má, lao dịch. Địa chủ thì chiếm đoạt bằng tô, tức, vay nặng lãi. Thuế thân, người “vô sản” đóng 4,5 đồng, người hữu sản đóng 5,5 đồng (khoảng 10 - 15 giạ lúa). Nhiều gia đình không đủ tiền nên chỉ đóng 1 người để đi lại làm ăn, còn lại phải “sống lậu”. Nên trong các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ đều có đề cập nội dung, khẩu hiệu đòi giảm thuế...
Từ năm 1939, do ảnh hưởng chiến tranh thế giới lần thứ II, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách tàn bạo đối với nhân dân ta về các mặt hòng vơ vét sức người, sức của cung cấp cho chiến tranh, đồng thời cố bóp chết cách mạng Việt Nam. Đầu tháng 11/1939, chúng mang về Pháp 1,68 triệu tấn gạo, 66.619 tấn cao su (chủ yếu của Nam bộ). Thuế đất tăng 8 lần so năm 1938. Người già trên 60 tuổi và phụ nữ goá chồng trước đây được miễn thuế nay cũng phải đóng thuế thân .
Nguồn thu của thực dân, phong kiến càng nhiều, sự gia tăng diện tích và sản lượng lúa gạo lại tỷ lệ ngược chiều với cuộc sông của người nông dân, họ ngày càng lâm vào cảnh túng đói. Sưu, thuế, tô, tức, đói nghèo, dịch bệnh, dốt nát... luôn luôn ám ảnh, dày vò kiếp sông người dân chơn chất... Xã hội ngày càng phân hóa và mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc hơn. Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã nhanh chóng tập hợp được đông đảo quần chúng đấu tranh chống thực dân, phong kiến để giành lấy chính quyền, đóng góp sức người, sức của xây dựng nền độc lập, tự do, phồn thịnh... cho đất nước.
II. Những chính sách tài chính và hoạt động thu chi tài chính sau khi giành được chính quyền
Cách mạng tháng Tám thành công, chế độ dân chủ cộng hòa được thành lập, trong đó ngành Tài chính chính thức ra đời ngày 28/8/1945 cùng với chính phủ Cách mạng lâm thời. Nhưng chính quyền non trẻ phải đương đầu với những thách thức mới. Tinh hình kinh tế - văn hóa - xã hội đất nước rất nguy ngập, sản xuất đình trệ, tài chính khánh kiệt, ngoại thương bế tắc. Ngay trong ngày 2/9/1945, Chính phủ lâm thời công bố những biện pháp cấp bách về nội trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính...
- Ngày 4/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh đặt ra quỹ độc lập, trong khuôn khổ quỹ độc lập có tuần lễ vàng.
- Ngày 5/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 7 bãi bỏ việc cấm vận chuyển lúa gạo, nguyên liệu làm giấy, da trâu bò, thuốc nhuộm..
- Ngày 7/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố Sắc lệnh số 11 về việc hủy bỏ thuế thân.
- Ngày 10/9/1945, Tổng trưởng Võ Nguyên Giáp ký công văn số 8 VP/CP chỉ thị: “Phải hết sức dè dặt các sự chi tiêu, phải tính toán để trong các chi tiêu không có sự lạm dụng”.
- Ngày 19/10/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh thành lập Quỹ cứu tế quốc gia.
- Ngày 28/10/1945, Chính phủ ra Nghị định về việc giảm 20% thuế điền thổ cho cả nước và miễn hẳn thuế điền thổ cho các vùng mất mùa...
Tổng khởi nghĩa thắng lợi, ở Long Xuyên, Châu Đốc thành lập chính quyền cách mạng từ tỉnh đến xã. Trong bộ máy Ủy ban nhân dân các cấp có 1 Ủy viên phụ trách tài chính.
Trong những ngày đầu, dựa vào chương trình 10 điểm của Việt Minh và 6 nhiệm vụ khẩn cấp của Chính phủ, chính quyền cách mạng tỉnh tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết về dân sinh, dân chủ.
Tỉnh đã chỉ đạo tịch thu lúa gạo của địa chủ và tay sai chia cho dân nghèo thiếu ăn; phát động tăng gia sản xuất nông nghiệp, xóa nợ của nông dân đối với địa chủ, giảm tô 25%... Nhờ đó, đời sống nhân dân bước đầu được cải thiện, hăng hái sản xuất.
Từ ngày 17 – 24/9/1945, nhân dân Long Xuyên, Châu Đốc tích cực hưởng ứng “Tuần lễ vàng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ phát động nhằm tạo ngân sách cho đất nước. Trong tỉnh, nhiều khẩu hiệu tuyên truyền được rải, dán như:
“Không đeo vàng, chẳng thoa son.
Nước còn là đẹp, vàng son sá gì”
Cuộc vận động đã thu được số lượng khá lớn vàng, đồng, tiền cho quỹ quốc phòng. Nhưng điều được lớn nhất là nhân dân biểu thị sự ủng hộ đối với chế độ mới. Nhiều bà mẹ, người chị, có cả các em nhỏ đã tự nguyện mang nữ trang ủng hộ, nhiều mâm thau, nồi đồng, cả đại hồng chung, tiền xu... được nhân dân hiến cho cách mạng.
Dù còn nhiều khó khăn, đến ngày 01/12/1945, ngân khố Việt Nam cho lưu hành loại tiền 2 hào, 5 hào bằng nhôm và loại 2 đồng bằng nhôm. Ngày 3/2/1946 giấy bạc Việt Nam được lưu hành ở miền Nam. Lúc này, người dân vẫn còn xài giấy bạc Đông Dương.
Ngày 9/1/1946, Pháp đánh chiếm Long Xuyên. Tỉnh ủy chủ trương rút đại bộ phận cán bộ về U Minh nhằm bảo toàn lực lượng, chỉ để lại một bộ phận nhỏ bám Chợ Mới, Lấp Vò. Ngày 20/1/1946, Pháp tiến chiếm tỉnh lỵ Châu Đốc. Theo lệnh của Tỉnh ủy, các cơ quan của tỉnh Châu Đốc rút về U Minh và về Tân Châu, Hồng Ngự, vùng tả ngạn sông Tiền lập căn cứ kháng chiến. Trong vùng địch tạm chiếm, cơ sở và cán bộ ta rút vào hoạt động bí mật.
Sau khi tái chiếm, thực dân Pháp chú tâm nắm bọn cầm đầu lực lượng võ trang giáo phái. Lực lượng này cùng Pháp càn quét, lùng sục giết hại đồng bào và cán bộ cách mạng. Mỗi tên (Hai Ngoán, Ba Cụt, Năm Lửa...) cát cứ một vùng, ban hành các loại thuế, sưu dịch tha hồ vơ vét, áp bức dân chúng để nuôi dưỡng quân đội, ăn chơi như lãnh chúa...
Trước tình hình trên, từ tháng 3/1946, một số cán bộ Tỉnh ủy Long Xuyên, Châu Đốc trở về hoạt động vùng tạm bị chiếm. Từ tháng 5/1946 Bộ tư lịnh chiến khu 9 đưa các đơn vị vệ quốc đoàn về bám đất, bám dân phát động chiến tranh du kích, tổ chức các đội trừ gian.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền các cấp hoạt động rất khẩn trương, nhộn nhịp, yêu cầu chi tiêu tài chính rất lớn, nhưng hầu hết các cấp đều không có thu. Lối thoát tốt nhất là dựa vào dân và tự lực của cá nhân. Biện pháp tài chính chủ yếu lúc này là tổ chức lạc quyên, tăng gia sản xuất, tịch thu tài sản của Pháp và Việt gian, kể cả buôn bán sinh lời, xổ số... Công tác tài chính chưa có kế hoạch, dự toán, chưa đi vào nề nếp chuyên môn. Tình trạng đó khó tránh khỏi tùy tiện lãng phí, khó quản lý.
Về ngân sách ở thời gian đầu này dựa vào các khoản thu hầu hết chưa phải là thuế, vì các sắc thuế của chế độ cũ không thể áp dụng được, mà thu các khoản đảm phụ quốc phòng, nhân dân đóng góp cho quỹ kháng chiến...
Từ tháng 5/1946, Trung ương ban hành sắc lệnh thuế điền thổ (29/5/1946) và lần lượt ra một số sắc thuế khác như thuế môn bài, thuế sát sinh, thuế đối với xe vận tải, thuế thuốc lá ... Qua tiếp thu chỉ đạo và cụ thể hóa của Xứ ủy Nam bộ, tỉnh, huyện từng bước thực hiện theo điều kiện thực tế, trong bối cảnh có nhiều vùng: căn cứ, du kích và phần lớn là vùng tạm bị chiếm.
III. Các loại thuế và tình hình thu chi tài chính trong vùng kháng chiến
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Pháp tăng cường bình định, kềm kẹp vùng chiếm đóng và mở rộng càn quét vùng căn cứ kháng chiến. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Long Xuyên – Châu Đốc đề ra chủ trương tấn công địch cả về chính trị và quân sự, vừa chiến đấu vừa phát triển lực lượng.
Đến giữa năm 1947, Long Xuyên Châu Đốc bị giặc Pháp chia cắt làm 2 vùng. Do vậy, để sắp xếp lại địa bàn, ngày 11/9/1947, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam bộ ra Chỉ thị số 50 phân định lại địa giới 2 tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc thành 2 tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hậu.
Tháng 4/1948, Tỉnh ủy hai tỉnh tổ chức hội nghị bầu Tỉnh ủy mới, củng cố lại chính quyền, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm. Một trong 4 công tác lớn là: phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất tự túc, ổn định đời sống nhân dân. Các ngành chuyên môn được thành lập dần trong đó có kinh tế, tài chính... có tổ chức học tập và huấn luyện chuyên môn...
Do yêu cầu chi phí phục vụ chiến đấu ngày càng lớn, đòi hỏi chính sách huy động dựa vào dân về tài lực phải chuyển biến, ngoài quỹ ủng hộ kháng chiến, nhà nước lần lượt ban hành Luật thuế trực thu (sắc lệnh 49 ngày 18/6/1949), sửa đổi biểu thuế sát sinh, thuế thuốc lào, thuế thuốc lá cho phù hợp giá cả. Có những loại thuế như sau:
1- Thuế điền thổ: đánh vào tất cả ruộng đất, chỉ trừ đất trong thành phố, thị xã đã đánh thuế thổ trạch, ruộng có 4 hạng thu theo 4 mức từ 900 kg đến 2.100 kg/ha. Về đất có 5 hạng, cứ 5 năm xếp lại một lần.
2- Thuế môn bài: đánh vào các hoạt động công thương nghiệp, dịch vụ.
3- Thuế công thương nghiệp: đánh vào doanh số bán của hộ kinh doanh.
4- Thuế nhập: thu vào hàng hóa do mậu dịch từ vùng tạm chiếm vào.
5- Thuế xuất: thu hàng xuất ra vùng địch tạm chiếm.
6- Thuế gián thu: tập trung vào thuốc lá.
7- Đảm phụ vận tải.
8- Công phiếu kháng chiến (sắc lệnh 166 ngày 11/4/1948).
Do vùng căn cứ ít dân, kinh tế khó khăn, bộ máy cán bộ thiếu nên việc triển khai công tác thu nói chung kết quả không cao và không đều khắp.
Để có nguồn ngân sách và tập hợp được quần chúng ta thực hiện chính sách cấp đất, cho làm củi, làm cá (như Trung đoàn 304 ở Lình Quỳnh). Nhân dân nhận rõ chính sách ruộng đất đúng đắn của kháng chiến. Đồng bào dân tộc, tôn giáo cũng tích cực ủng hộ kháng chiến. 40% người Hoa ở vùng tạm chiếm Long Châu Tiền có ý thức đóng thuế cho cách mạng.
Đến giữa năm 1948, chính quyền cơ sở được xây dựng, củng cố thêm. Tỉnh Long Châu Hậu có 29/56 làng có chính quyền, 14 làng do ta quản lý. Tỉnh Long Châu Tiền có 25 làng do ta quản lý.
Ngay sau khi ổn định về mặt tổ chức trên địa bàn mới, Tỉnh ủy 2 tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội vùng căn cứ giải phóng để làm chỗ dựa vững chắc cho hoạt động quân sự.
Tỉnh Long Châu Hậu mới lập, người đông, nên Tỉnh ủy, Ủy ban lập Ban tiếp tế các cấp, giải quyết những khó khăn nảy sinh, chủ yếu là lương thực. Bước đầu Tỉnh ủy xin Trung ương Cục viện trợ 100.000 đồng và Rạch Giá viện trợ gạo. Phát động phong trào sản xuất tự túc, tự cấp trong cơ quan, bộ đội và đồng bào tản cư. Vận động địa chủ hiến điền, tổ chức nạo vét kênh mương ở vùng căn cứ, phục vụ sản xuất, tạo sự lưu thông trao đổi hàng hóa.
Hội nghị Tỉnh ủy Long Châu Hậu ngày 5/10/1948 đánh giá tình hình:
- Thuế thâu sút, vi phạm nhiều là thuế nhập thị, nay có lệnh cấm bán nhiều món hàng.
- Chưa tổ chức Ty ngân khố, Ty tài chánh, các ngành chuyên môn đều thiếu người.
- Các đoàn thể: Thanh niên, Phụ nữ có tổ chức sản xuất (Thanh niên lỗ, Phụ nữ lời 953,5 đồng). Công đoàn: còn quỹ 578 đồng. Nông dân: hết ngân quỹ, thiếu nợ 385 đồng...
Bên tỉnh Long Châu Tiền ta còn vận động đồng bào vùng tạm chiếm sang vùng giải phóng nhận đất tạm cấp để làm ăn. Nạn thiếu lương thực được khắc phục, đời sống nhân dân được cải thiện một bước. Phong trào tự túc, tự cấp phát triển rộng khắp.
Từ năm 1949, việc địch phong tỏa kinh tế gây khó khăn cho sản xuất, đời sống nhân dân, nền kinh tế vừa chớm phát triển của ta bị đình trệ, nên sau đó được điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế. Thời gian này hai tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu đã hỗ trợ lúa gạo cho Long Châu Hậu. Đồng thời ta động viên đồng bào gia tăng sản xuất, các ngành đoàn thể cũng tích cực tham gia sản xuất tự túc.
Ở Long Châu Tiền vấn đề thuế, dân chúng vui lòng đóng nhưng thắc mắc vì nhiều nơi đóng không thống nhất, phải đóng nhiều lần ở nhiều trạm. Thậm chí dân đi bắt ốc, nhổ bông súng bán mua gạo ăn cũng bị đánh thuế. Nên tỉnh đề nghị khu:
+ Bỏ thuế bổ túc ở các trạm dọc đường.
+ Bỏ hẳn thuế ốc và bông súng.
+ Các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười thảo luận với nhau thống nhất về thuế...
Năm 1950, hai tỉnh đẩy mạnh hoạt động quân sự, mở rộng vùng giải phóng. Thực hiện việc điều chỉnh địa bàn, ngày 30/10/1950, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 58 về việc sát nhập hai tỉnh Long Châu Hậu và Hà Tiên thành Long Châu Hà. Và ngày 27/6/1951 Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam bộ ra Nghị định 173 sát nhập hai tỉnh Long Châu Tiền và Sa Đéc thành Long Châu Sa.
Hai Tỉnh ủy xác định về kinh tế là: “Ổn định đời sống quần chúng vùng kháng chiến, vận động tăng gia sản xuất, phát triển nông nghiệp...”.
Do khó khăn chung về ngân sách, Tỉnh ủy Long Châu Hà, Long Châu Sa chủ trương các huyện phải tự lực về kinh phí hoạt động, kết hợp với thực hiện “giản chính” bộ máy. Để đảm bảo kinh phí hoạt động, các huyện đều đẩy mạnh sản xuất tự túc như làm ruộng, trồng rau, nuôi cá...
Theo quy định hệ thống ngân sách Nhà nước từ 1/11/ 1948 chỉ còn ngân sách Nhà nước và ngân sách xã.
Do Long Châu Hậu và Hà Tiên sát nhập các bộ phận vào ngày 17/12/1950 nên chế độ tài chính Long Châu Hà bắt đầu từ năm 1951. Theo báo cáo gởi Khu ủy Nam bộ ngày 13/10/1951.
* Về thu chi của Long Châu Hà:
+ Đầu năm, mới thống nhất thu chi chênh lệch còn ít. Thu: 147.696,37 đồng. Chi: 611.316,44 đồng, thiếu 463.620,07 đồng.
+ Từ tháng 4/1951, giá sinh hoạt lên cao, cơ sở phát triển mà số thu rất kém. Ở xã, chi thu không đến 1/10 số xuất. Có xã chỉ chi mà không thu. Toàn tỉnh thu: 158.952,77 đồng; chi: 3.105.148,61 đồng, thiếu: 2.948.195,84 đồng. Số thiếu này chỉ bám vào sự giúp đỡ bằng tiền của Nam bộ phát hành.
* Về nguồn thu:
Phần gián thu: thuế bàng, cà ròn, đệm vừa lẻ tẻ vừa kiểm soát lỏng lẻo. Thuế đó, đăng thì có 2 xã. Cá biển thất thu nhiều. Thêm nữa, vùng cao dựa lưng vùng ngụy nên một số lớn chạy khỏi sự kiểm soát và thu thuế của ta về lúa.
Vùng đồng bào Khmer, vùng tạm bị chiếm, vùng mới giải phóng thuế chưa đặt ra, bộ máy thu chưa có, cán bộ xã không tích cực nên thất thu. Vùng giải phóng bộ sổ chưa thành lập đều (chỉ 6 xã lập rồi), đất đai bỏ hoang, tỷ lệ thuế chưa ổn định.
+ Về quỹ công lương vùng người Việt bị kiểm soát ở Tịnh Biên thu dễ dàng. Về việc tín dụng sản xuất mạnh. Nam Thái Sơn thu được 9.000 kg lúa và 11.000 đồng tiền và lúa.
+ Tài sản quốc gia: kiểm điểm chưa chặt chẽ, chỉ 11 xã có bộ sổ nhưng không đầy đủ.
Kiểm điểm chủ trương tài chánh của Nam bộ và tỉnh Long Châu Hà năm 1951 đã nhận xét:
- Về thuế vụ:
+ Tỷ lệ: như Nam bộ đề ra 60% - 80% như da trăn, da rắn 60% trên thuế này không thu được, tất cả đều bị nhảy dù (buôn lậu).
+ Sắc thuế:
. Thuế thuốc: Nam bộ thu 5 cắc / 1 cây, lại thu thuế thương mại (phụ thu) làm cho số thuốc trồng ở Châu Thành, Tịnh Biên sụt xuống nhiều. Trong lúc ta không tránh được nhập thuốc sang vùng tạm chiếm với thương phiếu hay sản phẩm. Để cứu vãn tỉnh chủ trương không thâu thuế thuốc.
.Thuế điền: Nam bộ đánh dựa vào điều tra năng suất của địa tô và giá lúa từng vùng hàng năm. Tỉnh đưa cán bộ xuống xã để lập bộ và giải thích cho dân nhưng không kết quả. Do đó một vài xã tự động thỏa thuận với chủ đất và căn cứ trên năng suất của ruộng mà thu.
.Thuế chồng: ở Nam bộ một món hàng bán vào thành phải đóng thuế thương mại, nhập thị phụ, phụ thu... dân có cảm tưởng chồng nhiều thứ thuế. Ở tỉnh: việc thu thuế chỉ nhằm giá hàng, không tỉ lệ chỉ có sự thỏa thuận giữa cán bộ và người đóng thuế.
- Việc tổ chức và lề lối làm việc:
+ Nam bộ chủ trương cho tỉnh lập ra 5 ty trên lĩnh vực tài chính, có qui định riêng về toa vé, sổ sách, lề lối thâu góp, tài nạp và báo cáo của nó. Ở xã chỉ có một cán bộ phụ trách về thâu. Cán bộ này cũng là cán bộ phụ trách tài chánh của Ủy ban và chịu trách nhiệm ngân sách. Khi đi đóng thuế cán bộ tài chính phải từ xã đến huyện duyệt rồi lên tỉnh trực tiếp với Ty quản tự rồi qua Ty thuế quan, Ty trực thân và đóng tiền Ty ngân khố. Sau đó đến Ủy ban báo cáo.
Tỉnh: quy định việc đóng thuế của xã cho huyện, sẽ chuyển giao lên tỉnh nghiên cứu. Tỉnh in tất cả sổ sách, báo cáo để xã chỉ thêm số vào. Dù vậy, việc thu góp, áp tải còn nhiều phiền phức, thuế má đối với dân còn phiền hà.
- Về ngân sách:
+ Nam bộ: ngân sách xã, tỉnh đề ra và thay đổi liên tiếp với khẩu hiệu tự cụng trong khi xã thâu mỗi tháng không đến 1/10 số chi, phải thêm vô trên 100 đồng/tháng để bình quân.
+ Tỉnh: lãnh đạo chi tiêu sổ sách đã giao cho huyện thay mặt tỉnh để duyệt y và thay mặt xã để tỉnh thanh toán hàng tháng. Đối với ngân sách, Long Châu Hà thực hiện không nổi và chưa có biện pháp cụ thể để đề nghị Nam bộ giúp.
- Cung cấp nhân viên, vệ quốc đoàn:
+ Nam bộ xếp hạng A, B, C trong việc phụ cấp. Qui định mỗi nhân viên 5.200 đồng. Toàn tỉnh 4.500 nhân viên = 23,4 triệu chưa kể bộ đội.
+ Tỉnh: các chi phí không quan trọng chồng lên ngân sách tỉnh làm cấp tỉnh phải ngưng lại một số chi phí (phụ cấp đêm) và bối rối với các qui định về quần áo... cấp theo giá thị trường thì quá nhiều, mà tạo thương phiếu cấp đồ thì không làm nổi. Chi phí 7 tháng đầu năm 1951: 7.600.000 đồng mà cấp cho quân sự chỉ có 2.400.000 đồng (25% chi phí).
Cho đến giữa năm 1952, các sắc thuế do Nam bộ qui định đã được ban hành. Việc thu thuế nông nghiệp đạt không đến 5% tổng số sản xuất (trong khi Trung ương để cho Nam bộ thu 10 – 15%. Thuế xuất nhập khẩu: thu tương đối khá nhưng vẫn còn nạn trốn thuế. Thuế công thương nghiệp: trừ hàng hóa, các sắc thuế mới ban hành chưa thâu. Việc quản lý tài chính không được chặt chẽ nguyên nhân là do địa dư và chiến trường du kích thay đổi. Về tiền tệ: tiền Việt Nam mất giá, tỷ lệ 1/10 – 1/30 so bạc Đông Dương...
Ngày 14/11/1952, Tỉnh ủy Long Châu Hà tổ chức Đại hội lần I đề ra nhiệm vụ trọng tâm năm 1952 và những năm tới là tăng cường thu thuế nông nghiệp... Khuyến khích việc trao đổi giữa 2 vùng; tiếp tục đẩy mạnh trồng lúa, hoa màu để có thể tự túc vững vàng về lương thực và còn có dự trữ nuôi quân.
Thuế nông nghiệp đặt ra theo sắc lệnh số 13 SL của Chính phủ ngày 1/5/1951. Đây là lần đầu tiên thể hiện chính sách của Nhà nước đối với nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Theo qui định, Nhà nước bãi bỏ các thứ đóng góp đương thời nông nghiệp cho ngân sách như thuế điền thổ, thuế công lương, thóc nộp cho quỹ, nuôi bộ đội... mua thóc theo định giá...
Thuế nông nghiệp mỗi năm tính lập bộ thuế một lần thu bằng thóc vào 2 vụ, có thể tạm thu trước. Mức thu không quá 20% hoa lợi theo biểu lũy tiến. Nộp cao hay thấp tùy thuộc mức thu hoạch sản lượng ruộng đất bình quân cho nhân khẩu mỗi hộ.
Thời điểm nộp thuế là 61 kg/nhân khẩu trong hộ. Dưới 60 kg/người thì được miễn thuế còn quy định chính sách khuyến khích lao động và tính miễn, giảm...
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Long Châu Hà về công tác thu thuế nông nghiệp, tỉnh tập huấn cho một số cán bộ chủ chốt của các ngành và đoàn thể, trước hết nhằm giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng hiểu rõ đây là nhiệm vụ mới theo sắc lệnh về thuế nông nghiệp của chính phủ. Việc thực hiện tốt chính sách thuế nông nghiệp sẽ tạo điều kiện để kháng chiến thắng lợi. Sau học tập, cán bộ được đưa xuống các huyện, xã để triển khai thực hiện. Việc thực hiện chủ yếu ở các xã vùng giải phóng của Tri Tôn, Thoại Sơn và một số xã ở Giang Châu (Hà Tiên).
Tỉnh thành lập một số đoàn đi kiểm tra, tăng cường hoàn chỉnh bộ sổ thuế và tiến hành huy động lúa thuế ở một số xã điểm như Mỹ Hiệp Sơn, Thổ Sơn, Vọng Thê... Sau đó, tổ chức rút kinh nghiệm và triển khai rộng ra cả tỉnh.
Quá trình vận động thu thuế nông nghiệp diễn ra rất gay go: Lúc đầu, nhiều hộ nông dân phản ứng vì qui định tỷ lệ đóng quá chênh lệch, không hợp lý tuy cùng diện tích như nhau. Đã có tình trạng, nhà nhiều người thì đóng ít, nhà ít người lại đóng nhiều; bần nông đóng thuế thấp hơn 5%, trung nông từ 10% trở lên, phú nông trên dưới 30%, địa chủ 45% trên sản lượng thu hoạch... Cán bộ phải ngày đêm đi lại ngoài đồng, rồi đến từng nhà hoặc họp xóm để giải thích, giải đáp những thắc mắc của dân. Ta còn ra tờ tin đề cao gương người tốt việc tốt để đóng thuế nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phá tan luận điệu xuyên tạc chính sách thuế nông nghiệp của ta. Phần lớn cán bộ đoàn thể đều được huy động vào công tác này. Ngoài ra, còn tổ chức các đoàn văn nghệ biểu diễn phục vụ đồng bào... Từ đó, nhân dân tự nguyện thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Ở tỉnh Long Châu Sa, tỉnh cử 2 đoàn thí điểm thu thuế nông nghiệp... Đoàn tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Phối làm trưởng ban, có đồng chí Bằng được tập huấn về thuế nông nghiệp ở miền Bắc về trực tiếp thực hiện, lấy xã Tân Phú (Phong Thạnh Thượng –Chợ Mới) làm thí điểm của tỉnh. Huyện Tân Hồng do đồng chí Lý Chí Nam làm Trưởng ban, lấy xã Bình Thành làm thí điểm chỉ đạo. Công tác này được phát động rất mạnh.
Nhờ vậy, công tác thu thuế nông nghiệp đạt kết quả tốt. Hai tỉnh có dự trữ lương thực nuôi quân bằng chính sự đóng góp tự nguyện của nhân dân địa phương làm yên lòng chiến sĩ ngoài mặt trận.
Từ cuối năm 1953, vùng giải phóng Long Châu Hà được củng cố. Ở các xã vùng tạm chiếm, vùng tranh chấp ta vận động quần chúng đóng thuế nông nghiệp nuôi quân. Trong vùng giải phóng chính quyền tiếp tục chia đất cho nhân dân, thực hiện giảm tô từ 25 – 30%, đẩy mạnh tăng gia sản xuất tự túc.
Theo biên bản cuộc họp Thường vụ Tỉnh ủy Long Châu Hà tháng 4/1954, về nhân sự ngành tài chánh chỉ có 1 thư ký. Ban kinh tài chỉ còn đồng chí Hồ Văn Lái, đồng chí Xứng chuẩn bị công tác mới.
Về thu chi từ đầu năm đến tháng 4/1954 Nam bộ cấp cho tỉnh là 520.000 đồng, có 100.000 đồng Đông Dương Ngân hàng và 4.300.000 đồng Việt Nam. Cung cấp cho quân sự trội hơn 75%, giải quyết được số lúa thiếu tháng 2, 3 cho bộ đội. Số dự trữ còn 200.000 đồng. Các trạm xuất nhập khẩu thu không tới 20%. Thất thu thuế nông nghiệp trung bình trên 50%.
Do tỉnh làm ngân sách trễ nên Nam bộ không nắm mức cần thiết. Nhưng trong năm (đến tháng 8) đã giải quyết cấp cho tỉnh 1 triệu bạc Đông Dương, lúa, 100.000 kg muối... Ngoài ra, Bạc Liêu cho Long Châu Hà 200.000 kg muối. Những tháng sau này, phân phối tỉ lệ cho ngành quân sự chỉ đạt 35% ngân sách trong khi nguyên tắc và Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra là phải đạt 75%.
Ở Tỉnh Long Châu Sa, thời điểm cuối năm 1953 đồng chí Nguyễn Văn Phối – Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách Ủy ban kế hoạch (Trưởng ban kinh tài). Trong hội nghị Tỉnh ủy từ 31/12/1953 đến 2/1/1954 đã đánh giá: kinh tế tài chánh chỉ có chương trình công tác thường ngày, chưa có chương trình phối hợp thu đông; chưa có kế hoạch cho các xã du kích trong việc thu thuế nông nghiệp. Việc bảo vệ, quản lý chiến lợi phẩm, lúa của quân đội Hòa Hảo-Dân Xã để lại chưa có kế hoạch cụ thể.
Trong phương hướng tháng 1/1954 về tài chính ở vùng căn cứ cần: “Đẩy mạnh nhân dân thực hiện đúng mức thuế nông nghiệp có kết quả ở Tân Hồng 25.000 gia lúa, 33.000 đồng. Thu thuế công thương nghiệp và quản trị tài sản vắng chủ ”...
Trong điều kiện ngân sách có nhiều khó khăn, đến thời điểm này (1953 – 1954) tỉnh thực hiện chế độ cung cấp cụ thể như sau:
+ Ăn : chế độ 1 = 10 lít gạo, chế độ 2 = 25 lít
+Mặc: chế độ 1 = FLK, chế độ 2 = tự túc
+ Thuốc: chế độ 1 = 1 lít gạo, chế độ 2 = tự túc
+ Học: mỗi tháng 1 đồng cho số dưới lớp 3
+ Lớp huấn luyện, khách và lễ chi = FLK
+ Làm đêm: ngày nghỉ, đêm làm không tính. Ngày làm đủ giờ, đêm làm thêm trên 3 giờ được tính. Hội nghị và đi đường không tính.
+ Thâm niên chỉ tính cho những người thoát ly: 5 năm đầu là 1 thâm niên. Cứ mỗi 2 năm sau là 1 thâm niên. Bị thi hành kỷ luật quá 1 tháng thì bỏ năm đó...
Tháng 1/ 1954 tỉnh Long Châu Sa tổ chức Hội nghị nông vận, sản xuất và tài chánh toàn tỉnh. Đây là lần đầu tiên có hội nghị chuyên đề nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến lược của Đảng, Chính phủ là: “Vận động dân cày, xây dựng nền kinh tế tài chánh kháng chiến”. Trong diễn văn khai mạc, về tài chánh, lãnh đạo tỉnh đã nhấn mạnh 3 hạn chế lớn:
- “Chúng ta chưa quan niệm đúng mức tài chính là huyết mạch của cuộc kháng chiến.
- Không nắm vững phương châm xây dựng tài chánh và nhẹ phần đóng góp của đồng bào vùng tạm chiếm.
- Bệnh tham ô lãng phí rất trầm trọng trong nội bộ chúng ta”...
Trong báo cáo công tác tài chính đã khái quát tình hình tài chính của địch, ta với phần đánh giá kết quả, ưu khuyết điểm về các nội dung liên quan tài chính của ta rất cụ thể qua số liệu thực hiện năm 1953. Trong có, có một số điểm lớn như:
- Về tài chính, ngân sách:
“Đến năm nay (1954), tài chánh của ta vẫn còn rối ren. Khả năng không đủ cung ứng cho nhu cầu chiến lược. Một phần bị địch lũng đoạn, một phần do tư tưởng ta chưa thấm nhuần chính sách kinh tài. Chưa xem đó là vấn đề sống chết của kháng chiến.
Đứng trước tình cảnh thiếu thốn, tư tưởng ta lệch về thâu cho được nhiều mà quên vấn đề bồi dưỡng nhân dân để xây dựng một nền tài chính vững chắc trên cơ sở sản xuất. Cán bộ các cấp, các ngành còn suy nghĩ lệch lạc: mị dân, không thâu đầy đủ thuế, xuất không nguyên tắc, báo cáo không đúng kỳ...
Trên dưới không thông suốt, tỉnh không đi sát huyện, xã. Tỉnh ủy, Ủy ban không nắm vững nguyên tắc tài chính về con số cụ thể thâu chi để điều hòa, quản lý kịp thời.
Ta nặng về cung ứng bộ máy kháng chiến, nhẹ về phần phát triển sản xuất nhân dân. Như theo nguyên tắc Trung ương đề ra: trong 20% thuế chánh, thì 10% chi cho quân sự, còn 10% dùng để bồi dưỡng sản xuất nhân dân. Nhưng năm 1953, tỉnh dư phần phát triển sản xuất cơ quan bộ đội 13.500 gia gạo cho các xã.
Cấp ủy, chính quyền buông lơi lãnh đạo tài chính. Thi hành chủ trương máy móc, chủ quan. Cuối năm các huyện sổ sách không thanh toán được. Thâu thuế bỏ quỹ xã, cho thân nhân mượn (Tân Thành), chi cho địa phương. Không nộp hoặc nộp không đủ lên trên, gây mất mát. Hầu hết huyện đều xuất ngoài dự chi.
Có tư tưởng địa phương, cục bộ, giành thu thuế để lập huê hồng cho cơ quan mình. Ngân sách năm 1953 chưa được FLK chấp thuận, Tỉnh ủy – Ủy ban cũng xuất theo chủ quan mình. Thu thuế nông nghiệp mà không đi đôi thu thuế công thương nghiệp làm dân so bì.
- Về thu góp các sắc thuế: còn hạn chế là hữu khuynh theo đuôi quần chúng; mang tính thâu góp; thâu với trách nhiệm chưa cao; dễ làm khó bỏ. chủ yếu thu ở vùng căn cứ, buông lợi cho địch cướp giật. Đến tháng 10/1953 chỉ thu thuế nông nghiệp có 34.646 gia.
- Trong quản lý, quản trị tài sản quốc gia (bất động sản, động sản, các chiến lợi phẩm...) chưa chặt chẽ, nhất là đất địa chủ... Hoàn trả tài sản còn máy móc, bừa bãi...
- Về sử dụng tài chính còn làm mất tiền, xuất quá dự chi, gian dối. nặng về đòi hỏi công quỹ cấp phát, thiếu tự lực, thu chi chưa nghiêm minh, đúng mức, chi sai nguyên tắc, tùy tiện, không báo cáo... Ý thức bảo vệ, tiết kiệm chưa cao.
- Trong công tác tổ chức do hiểu lệch về giản chính biên chế mà giảm quá mức làm bộ máy còn lại non yếu, thiếu. Huyện xã chỉ còn 1 cán bộ, thị xã không có cán bộ tài chính, phần nhiều công tác tài chính khoán trắng cho chuyên môn. Sau này, có bổ sung thêm cán bộ, nên bộ máy ở tỉnh tương đối khán nhưng xã, huyện còn yếu. Hơn nữa, công tác tài chính còn thu hẹp trong vùng căn cứ, buông lơi vùng du kích và tạm chiếm, hoạt động theo mùa...”
Nhìn chung, phương diện tài chính đã có tiến bộ về tư tưởng cũng như lề lối làm việc. Cấp ủy, chính quyền thấy được vai trò lãnh đạo của mình. Nhưng cần tích cực khắc phục về mọi mặt để xây dựng một nền tài chính vững chắc trên cơ sở sản xuất nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng để thắng giặc.
Ở Long Châu Hà, Hội nghị Tỉnh ủy ngày 14/4/1954 có đánh giá: công tác thu thuế nông nghiệp còn chậm; vấn đề sản xuất chưa có kế hoạch cụ thể... Trong nhiệm vụ tới ở vùng căn cứ: cần tuyên truyền cho việc đẩy mạnh công tác chống càn, sản xuất, thu thuế nông nghiệp...
Từ tháng 5/1954, hai tỉnh đã tích cực chuẩn bị tài lực, vật lực phục vụ việc phối hợp các chiến trường trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiệp định Genève được ký kết, tình hình đã chuyển sang tình thế mới. Về kinh tế tài chính cũng có những chủ trương phù hợp.
Sau khi có Hiệp định Genève, theo báo cáo tình hình kinh tế tài chính tỉnh Long Châu Sa từ ngày 25/8 đến tháng 9/1954:
- Chính sách thuế khóa được sửa lại cho phù hợp với giai đoạn mới. Đối với vùng ngoài vùng tập kết việc thu thuế ngừng hẳn, chỉ vận động ủng hộ bí mật.
- Về đìa bàu không đấu giá như trước. Sau khi giáo dục nhân dân về nhiệm vụ xây dựng công quỹ và bảo vệ tài sản quốc gia, tỉnh phối hợp huyện, xã đem ra dân bình nghị giá cả và thu trước 1/3... Riêng bần cố nông tổ chức thành tập đoàn được Nông hội đảm bảo thì được mua chịu.
Về thanh toán tài sản quốc gia: các cơ sở tự túc của cơ quan, bộ đội bán cho nông trường viên rồi đến bần cố nông. Cán bộ tỉnh đến cơ quan hướng dẫn, tùy loại tài sản mà quy định bán, mang theo tập kết hoặc gởi dân.
- Riêng thanh toán lúa, huyện Tân Hồng không nắm rõ chủ trương nên ra lịnh thanh toán số lúa còn tại xã bằng cách cho dân mượn. Thừa cơ một số cán bộ để cho người thân mượn hoặc để dân tự xúc đong... đã làm mất hơn 5.000 giạ, gây ảnh hưởng không tốt đối với Chính phủ.
Về tình hình tài chính tỉnh Long Châu Sa từ tháng 9/1954 đến ngày 9/9/1954: (Xem phụ lục số liệu Bảng 1)
IV. Đấu tranh chống địch phá hoại kinh tế, nổ lực xây dựng nền kinh tế - tài chính tự túc, tự cấp
Cuộc chiến tranh giằng co kéo dài làm cho ngân quỹ của địch ngày càng kiệt quệ. Mặc dù đã kiểm soát hầu hết các địa bàn đông dân, thị tứ, có điều kiện sản xuất kinh doanh... Song, với âm mưu: “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” chúng dùng đủ mưu mô nhằm bóc lột, thu vét xoay xở cho ngân sách chiến tranh đang thiếu hụt.
Tổ chức hoạt động tài chính chủ yếu của chúng là ở những vùng tổ chức được bộ máy bù nhìn thì thu góp thông qua ban hội tề. Như thâu đảm phụ quốc phòng (đánh trên hàng hóa tiêu dùng của dân chúng), thuế điền, viên, thuế ngưu, canh... y như trước 1945. Đồng thời, qua việc phát hành thật nhiều giấy bạc Đông Dương, giấy bạc liên bang, sau này là bạc Bảo Đại...
Chúng cho tổ chức các hình thức cờ bạc công khai, tăng thuế cũ, đặt thêm nhiều sắc thuế mới; tổ chức lạc quyên, chẩn tế... để vơ vét. Cộng thêm các lực lượng giáo phái cát cứ ở từng vùng cũng có những hình thức cướp giựt, thu góp, bóc lột nhân dân bằng nhiều cách khác nhau.
Địch, ngụy nói chung, tùy vùng mà có chính sách thu góp như:
- Vùng tạm chiếm: thu góp dân chúng rất nặng nề với nhiều hình thức.
- Vùng du kích: vừa thu góp vừa cướp giựt.
- Vùng căn cứ: chúng triệt để phá hoại.
Trong suốt cuộc kháng chiến, địch biết rõ ta rất khó khăn về kinh tế – tài chính, nên chúng cố lấn chiếm vào vùng căn cứ và du kích của ta để mở rộng phạm vi kiểm soát. Triệt để đánh và phá hoại kinh tế của ta với nhiều thủ đoạn, từ ném bom, đốt phá... gom dân lập khu “phồn thịnh”; ngăn cấm giao lưu giữa các vùng, nhất là chủ trương phá hoại đồng bạc của ta. Trước tình hình trên, đấu tranh chống địch phá hoại kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng song song với quân sự của Đảng, chính quyền các cấp.
Từ cuối năm 1947, ta đã sắp xếp lại địa bàn để ổn định về kinh tế – xã hội, tổ chức từng vùng. Năm 1948 đã phát động tổ chức kinh tế tự túc thông qua việc chỉ đạo các đơn vị tổ chức thương mại, sản xuất... Ở tỉnh Long Châu Tiền nhờ điều kiện đất đai nhiều, rộng và tổ chức sản xuất tốt, nên từng bước ta có lương thực giải quyết khó khăn. Cả tỉnh sạ được 31.500 mẫu lúa, làm 3.500 mẫu rẫy... Phong trào tự túc, tự cấp ngày càng phát triển rộng khắp ở hai tỉnh.
Để ngăn chặn tình trạng hàng hóa địch tràn vào vùng ta, giữa năm 1948, “Ủy ban bao vây kinh tế địch” được lập theo Chỉ thị số 14/CT.TW ngày 24/5/1948 của Trung ương Đảng. Các ngành công an, kinh tế, thuế vụ thành lập các trạm kiểm soát trên tuyến đường bộ, đường thủy để chống xuất, nhập hàng hóa cấm. Kết quả là địch có lúng túng vì giá cả hàng nông sản ở vùng chúng kiểm soát tăng vọt. Tuy nhiên, ta gặp nhiều khó khăn hơn do thực hiện chỉ thị quá máy móc. Các mặt hàng thiết yếu ta không sản xuất được như vải vóc, xà phòng, dầu lửa, thuốc chữa bệnh... cũng bị cấm, bị tịch thu dẫn tới thiếu thốn nhiều thứ. Chủ trương này tác động đến nhân dân vùng giải phóng. Nhiều nơi “nhảy dù” (buôn lậu), lén lút gánh lương thực, thực phẩm ra chợ bán, gây khó khăn cho quản lý, đi lại giữa hai vùng.
Từ năm 1949, trước sự lớn mạnh của kháng chiến, Pháp thực hiện chiến thuật “vết dầu loang”, xây dựng cứ điểm quân sự làm bàn đạp tấn công vào vùng căn cứ của ta. Trong vùng tạm chiếm, Pháp tiếp tục củng cố bộ máy hội tề, phát triển lực lượng võ trang giáo phái. Trong vùng căn cứ, địch mở các cuộc càn quét, đốt phá suốt những năm 1948 – 1950 (đốt nhà dẫn, bắn trâu bò...) nhằm trấn áp đồng bào, tiêu diệt các cơ quan kháng chiến; đẩy mạnh phá hoại, bao vây kinh tế, phong tỏa giao thông.
Do địch phong tỏa kinh tế gay gắt và ta có sai lầm trong thực hiện chủ trương “phong tỏa kinh tế địch” nên lúc này cuộc sống nhân dân ở vùng kháng chiến rất khó khăn. Tình trạng thiếu thốn nhu yếu phẩm khá phổ biến nên nạn buôn lậu phát triển. Một số con buôn lưu trữ giấy bạc xanh của địch và giấy bạc nhỏ lén lút mua những mặt hàng thiết yếu từ vùng tạm chiếm đưa vào căn cứ. Có nơi xảy ra xung đột giữa dân buôn và nhân viên trạm kiểm soát gây căng thẳng trong vùng giải phóng... Vì vậy, ta phải từng bước điều chỉnh lại chủ trương kinh tế tài chính nhằm ngăn chặn sự đình trệ của nền kinh tế vừa chớm phát triển.
- Tiền tệ và phát hành tiền là một mặt trận đấu tranh gay gắt về kinh tế. Sau cách mạng tháng Tám 1945, ngân khố địch giao lại cho chính phủ ta chỉ 1.250.000 đồng mà có 580.000 đồng tiền rách nát. Ta cũng tiếp tục sử dụng ngân hàng Đông Dương, dù nó gây rất nhiều khó khăn.
Ngày 17/11/1945, Cao ủy Pháp ra Nghị định hủy bỏ bạc 500 đồng phát hành từ ngày 9/3/1945, nhưng ta khéo léo đấu tranh đòi hủy bỏ lệnh này. Đến 1/12/1945 ta bắt đầu cho lưu hành giấy bạc Việt Nam. Từ đầu 1946 giấy bạc Cụ Hồ đã được lưu hành ở Nam bộ.
Trong Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, ta hạn chế quyền phát hành của Ngân hàng Đông Dương, không công nhận giấy bạc phát hành sau 6/3/1946 và các loại bạc kiểu mới.
Trong Tạm ước 14/9/1946 có điều khoản: “Chỉ có một thứ tiền duy nhất lưu hành trên đất nước Việt Nam đó là đồng bạc do ngân hàng Đông Dương phát hành”. Vì vậy, sau ngày toàn quốc kháng chiến, để bảo vệ chủ quyền về mặt kinh tế, ngày 01/5/1948, Bộ Tài chánh ra Chỉ thị số 47 cấm tàng trữ lưu hành tất cả các loại giấy bạc Đông Dương, trừ loại 1 đồng tiếp tục lưu hành đến hết năm 1950. Lúc này ta đã phát hành tiền có mệnh giá khá cao (100, 200 đồng). Nhưng tỷ lệ mất giá của đồng Việt Nam so đồng Đông Dương ngày càng lớn. Bên cạnh lý do kinh tế tài chính, còn do địch phá, như cấm không cho tiền Việt Nam lưu hành ở vùng tạm chiếm; tiêu 100 đồng tiền đỏ, không tiêu tiền xanh; tung bạc giả vào vùng kháng chiến...
Từ cuối 1949, việc lưu hành tiền tệ có diễn biến phức tạp. Ta gặp nhiều khó khăn vì trong tỉnh khan hiếm bạc nhỏ, do người dân tích trữ bạc nhỏ đem ra thành mua bán hoặc đổi lại lấy lời. Để giải quyết phần nào khó khăn, chính quyền kháng chiến chủ trương đóng dấu và cắt đôi tờ giấy bạc IDÉO (của ngân hàng Đông Dương) các loại từ 1 đến 10 đồng, sử dụng bằng nửa giá trị. Đồng thời, nhà nước cho phát hành tờ tín phiếu từ 1 đến 50 đồng, nhân dân trao đổi, mua bán với nhau gọi là tiền “Cụ Hồ”.
Chính quyền còn cấm lưu hành giấy bạc xanh của địch, người vi phạm sẽ bị phạt hay tịch thu số tiền đang sử dụng.
Tuy vậy giá bạc Việt Nam vẫn sụt giá vì thực dân Pháp tung rất nhiều tín phiếu giả vào vùng kháng chiến để phá hoại kinh tế ta. Ở Long Châu Tiền, Long Châu Hậu giấy bạc mất giá độ 40% (trong khi các tỉnh khác mất giá độ 20%).
Từ cuối năm 1950, sang 1951 địch tiếp tục bao vây kinh tế, ngăn cấm nhân dân qua lại giữa hai vùng. Việc địch lấn chiếm là phá hoại kinh tế gắt gao làm một số vùng giải phóng của ta bị thu hẹp, đồng thời vụ mùa sút kém nảy sinh nhiều khó khăn. Mặc dù đồng bào có ý thức sẵn sàng đóng góp cho kháng chiến hơn địch ngụy và khả năng đóng góp dồi dào, nhưng vì cơ sở ta còn non nên việc đóng góp còn dè dặt (như thu thuế thủy lợi...). Mặt khác do họ chuyển nghề, chuyển chỗ ở... nên sức đóng góp chỉ chừng mực... Tỉnh Long Châu Hà để giải quyết khó khăn, phải nhận cứu trợ của Nam bộ 500 giạ và các tỉnh giúp hơn 50.000 giạ lúa.
Để vượt qua khó khăn về đời sống, theo chỉ đạo của Trung ương Cục, tỉnh chủ trương một mặt khôi phục sự giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa hai vùng, mặt khác đẩy mạnh hơn nữa sản xuất tự túc, “vận động hiến điền” đối với địa chủ tham gia kháng chiến. Tạm cấp đất cho gia đình nghèo, giảm tô tức, chống càn bảo vệ mùa màng...
Nhờ các biện pháp trên, vùng kháng chiến có bước chuyển biến. Sản xuất hàng hóa trao đổi giữa 2 vùng nhộn nhịp, đời sống người dân được cải thiện. Nhiều chợ nông thôn được hình thành.
- Từ giữa năm 1950, lúa gạo trong khu giải phóng được tiếp tế dồi dào, đồng bạc Việt Nam vẫn được lưu hành tự do giữa vùng bị chiếm. Về sau, đồng bào bắt đầu thiếu đậu, lúa, quần áo, thuốc men, đường. Giá đồng bạc bắt đầu sụt từ 10% đến 25% so bạc Đông Dương. Cũng lúc này, đồng bạc giả bắt đầu thâm nhập vào khu giải phóng do ghe buôn đưa vào để mua vét nông sản, nhất là trong vùng đồng bào Khmer Tri Tôn, Tịnh Biên.
Đồng bào bắt đầu nghi ngờ và tiêu xài bạc Việt Nam dè dặt. Đến khi đặc điểm bạc giả được loan báo (tháng 1/1951) thì bạc Việt Nam tiêu dùng khó khăn... Giá bạc Việt Nam dần dần sụt đến 50%, dân chúng dần dự trữ lén bạc Đông Dương để mua lén vải và các sản phẩm cần thiết. Đồng thời lén lút đem hàng bán những khu vực lưu hành bạc Đông Dương.
Từ tháng 4/1951 về sau, nạn đói đe dọa, ở khu giải phóng bạc Việt Nam lại sụt giá hơn (từ 1 đồng Đông dương đổi 2 đồng Việt Nam, lúc cao nhất 1 đồng đổi trên 50 đồng - tháng 9/1951).
Trong quỹ chính phủ, thương phiếu của ngành Dân quân chính bị hạn chế dần, có ngành vì thiếu thương phiếu nên hoạt động tê liệt một phần (thông tin, dân vận). Đồng bạc thu về công quỹ ít trong khi tiêu rất nhiều ảnh hưởng bởi giá trị bạc Việt Nam sụt giảm. Vì vậy Ủy ban kháng chiến-hành chánh Nam bộ chủ trương đổi tiền.
Kiểm điểm chủ trương tài chính cuối 1951 về tiền tệ, tỉnh đánh giá như sau: việc kê khai và thu hồi bạc Trung ương, tỉnh phối hợp ngành xuống tận xã ấp để thi hành, 3 tháng sau việc kê đổi xong. Nhân dân hài lòng nhưng một số thắc mắc vì công việc làm ăn ngưng trệ. Khi thu hồi bạc Trung ương, Nam bộ ấn loát đặc biệt cho ra nhiều tờ giấy bạc nhiều màu và không giống nhau. Tỉnh có công bố giấy bạc thiệt, giấy bạc giả nhưng không có mẫu đối chiếu nên bố cáo đặc điểm không rõ ràng, dân không nhớ hết...
- Về thương phiếu: Nam bộ chủ trương cung cấp thương phiếu cho kháng chiến, đặt tỷ lệ đổi bạc 80% cho thương buôn ra vào vùng tạm chiếm (là cao – muốn lời thương buôn phải mua bán 2 chiều). Tỉnh uyển chuyển tỷ lệ đổi bạc 10–30% tùy theo món hàng và tình thế. Thương phiếu do xã thâu thị, nhập nội, cam kết đổi bạc Việt Nam.
Sang năm 1952, tiền Việt Nam vẫn mất giá, tỷ giá 1/20 – 1/30 so bạc Đông Dương. Do lượng bạc Việt Nam phát hành nhiều trong năm 1951 trong lúc sản xuất tự túc còn kém, hai tỉnh cố gắng lãnh đạo nhân dân khôi phục kinh tế, sản xuất bằng nhiều giải pháp, kể cả tình thế. Trong đó tỉnh Long Châu Hà có đề ra hai chủ trương vào giữa năm 1952 nhưng Trung ương Cục không đồng ý. Đó là lãnh thương phiếu để mua lúa vùng đồng bào Khmer, vùng ngụy và cho rút bạc Việt Nam và cho xài bạc Đông Dương ở Phú Quốc (vì chưa mất giá, chưa có bạc giả).
Đại hội Tỉnh ủy Long Châu Hà cuối năm 1952 vẫn tiếp tục khẳng định nhiệm vụ sắp tới là: ...khuyến khích trao đổi giữa hai vùng, tiếp tục đẩy mạnh trồng lúa, hoa màu để có thể tự túc vững vàng về lương thực và còn có dự trữ nuôi quân.
Một trong những công tác quan trọng chống địch bao vây, phong tỏa biên giới là đẩy mạnh liên kết toàn diện giữa Long Châu Hà và chiến trường phân khu Nam Campuchia.
Từ 1953 đến 8/1954, địch đẩy mạnh các hình thức thu góp, vừa của ngụy quyền, vừa của lực lượng giáo phái Năm Lửa, Hai Ngoán, Nguyễn Giác Ngộ với những khoản thu như: địa tô, thuế điền, nguyệt liễm, quỹ chiến sĩ, thuế nóc gia, thủy lợi, cho mướn sòng bạc, thuế tiếp tế vận tải... Quân đội Hòa Hảo-Dân Xã tăng cường đóng đồn bót, mượn lúa dư của dân, cướp lúa ở vùng tạm chiếm, vùng du kích yếu với tỷ lệ 50%. Ở huyện Phú Châu bị cướp mỗi xã từ 5.000 gia trở lên, Tân Hồng bị cướp 20.000 giạ, Châu Phú A 20.000 giạ,...
Chủ trương của ta là đẩy mạnh đấu tranh kinh tế với giặc ở vùng du kích, tăng cường các khoản thu thuế, Ở vùng tạm chiếm cũng tăng cường đấu tranh chống cướp bóc, chống sưu cao thuế nặng và phá độc quyền (cá, lúa) của địch, chống các hình thức tống tiền...
Để phục vụ cho kháng chiến, công tác vận động tài vật, vật lực được đẩy mạnh với trọng tâm: Tài chính là huyết mạch của cuộc kháng chiến, giải quyết được mọi vấn đề và bảo đảm được mọi thắng lợi, nên được đặt ra song song với công tác thu chi ngân sách, đấu tranh chống địch phá hoại kinh tế. Công tác vận động nhân tài, vật lực phục vụ yêu cầu kháng chiến là rất cần thiết và có ý nghĩa to lớn.
Ngoài nguồn tiền của Nhà nước, phần đóng góp bằng lúa, bằng xuồng, vịt, gà, hoa trái, dân công... là không kể xiết, nhất là chuẩn bị các chiến dịch như: Trong chiến dịch Long Châu Hà I (tháng 10/1950), các ban tiếp tế được thành lập từ huyện đến xã phối hợp với Hội Liên Việt vận động nhân dân đóng góp lương thực, thuốc men dự trữ. Riêng Tịnh Biên chuẩn bị được 4.500 lít gạo.
Theo báo cáo của Quân khu 9 chuẩn bị cho chiến dịch Long Châu Hà II (tháng 2 và 3/1951) thì đến ngày 15/1/1951 được:
- Cung cấp quân trang (giao Tiểu đoàn Tây Đô)
. Quân phục 1.285 bộ
. Quần đùi 20.000 cái
. Dây nịch 1.300 cái
. Nóp 2.500 cái (2.000 bằng tiền)
· Túi đạn 886 cái
. Len 344 cái
. Pansenent 224
. Bidon 1.000 cái và 100 chiếc xuồng
- Quân lương: lúa gạo giao Tỉnh đội, khu cho thêm gạo: 80.070 kg, lúa 2.322 giạ (chưa kể hơn 4.000 gia dự trữ). Sắp cho thêm 20.000 kg.
. Lương khô, bánh mì: 2.060 khẩu phần
. Saucisson 92 kg
. Thịt khô 715 phần
. Tôm khô 836 phần (41,8 kg)
. Khô cá gộc 170kg và còn nữa...
Trải dài suốt 9 năm kháng chiến, lúc nào nguồn vận động nhân tài, vật lực của nhân dân cũng đóng vị trí quan trọng nếu không nói là gần chủ yếu. Không thể kể xiết những tấm lòng đóng góp công, của cho cách mạng. Từ cụ già, đến thiếu nữ, trẻ thơ; từ địa chủ, nhân sĩ đến bần cố nông, tín đồ tôn giáo, dân tộc thiểu số... đã âm thầm hoặc xung phong hiến tiền, của, đưa con em phục vụ cách mạng.
Bắt đầu từ ủng hộ “Tuần lễ vàng” (1945), mua công phiếu kháng chiến (1948), hiến điền, góp sức khai hoang, trồng trọt, sản xuất... cho đến nuôi cơm, đan nóp, may áo, vá quần cho bộ đội chiến đấu, đặc biệt là đóng góp của đồng bào trong vùng căn cứ.
Có thể kể từ những đợt lạc quyên, các ban tiếp tế đến việc thành lập hội mẹ chiến sĩ vào năm 1949 là để đỡ đầu cho bộ đội như: vận động bà con quyên góp, ủng hộ kháng chiến, ủy lạo bộ đội với nhiều hình thức phong phú như “hũ gạo nuôi quân”, “con gà kháng chiến”... được hưởng ứng mạnh mẽ.
Trong kế hoạch công tác định kỳ hàng năm, tỉnh đều đề ra nhiệm vụ giáo dục nhân dân ủng hộ nuôi quân, đóng góp cho kháng chiến, vận động thanh niên tòng quân. Nói chung, ngoài nghĩa vụ nhân dân còn nêu cao tinh thần tự nguyện đóng góp công của, góp phần vào thành quả của cuộc kháng chiến. Theo báo cáo tài chánh tháng 8/1954 của tỉnh Long Châu Sa, riêng phần lúa dân ủng hộ kháng chiến là 705,2 gia ....
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn An Giang kết thúc. Trong hoàn cảnh chiến trường rất khó khăn, vùng căn cứ kháng chiến nhỏ bé lại bị địch thường xuyên phong tỏa, phá hoại kinh tế, nhưng Đảng bộ, chính quyền các cấp vẫn cố gắng vượt qua để góp phần làm nên chiến thắng theo đúng phương châm kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh... Trong công cuộc kháng chiến, ngành Kinh tế-Tài chính của tỉnh tuy bộ máy chưa hình thành hoàn chỉnh nhưng cũng đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, để lại nhiều kinh nghiệm thực tế cho các chặng đường tiếp theo của cách
B. Công tác tài chính trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975)
+ I. Công tác vận động tài chính trước năm 1960
+ II. Hệ thống tổ chức Ban kinh tài các cấp từ sau phong trào đồng khởi năm 1960.
+ III. Các nguồn thu tài chính của cách mạng
+ IV. Chế độ cấp phát và thu chi tài chính phục vụ kháng chiến
C. Hoạt động của ngành Tài chính An Giang thời kỳ 1975-2000
+ I. Tài chính An Giang trong giai đoạn 1975-1985
+ II. Tài chính An Giang trong thời kỳ đổi mới 1986-2000
+ III. Tình hình thu chi ngân sách
D. Lời kết