Tiếp tục triển khai tổng kiểm kê tài sản công trong năm 2025
Thời gian qua với vai trò chủ trì, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành, địa phương chuẩn bị mọi điều kiện cho công tác tổng kiểm kê chính thức bắt đầu từ ngày 01/01/2025. Qua thông tin theo dõi trên Phần mềm tổng kiểm kê cho thấy đến ngày 14/01/2025, có 24 bộ, cơ quan trung ương và 58 địa phương đã thực hiện chế độ báo cáo trên Phần mềm Tổng kiểm kê tài sản công.
Tài sản công là nguồn lực quan trọng của đất nước
Ngày 14/1, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị triển khai một số quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi, bổ sung) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, mục tiêu của Hội nghị là cập nhật tình hình, kết quả chuẩn bị công tác tổng kiểm kê tài sản công và quá trình thực hiện kiểm kê của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, tập huấn các nội dung Luật số 56/2024/QH15 trong lĩnh vực tài chính ngân sách, trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2025) với nhiều quy định khác so với trước đây. Đặc biệt là quy định thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công, nhiều nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Tài chính, nay chuyển lại cho các bộ, ngành, địa phương và một số nhiệm vụ trước đây là của cơ quan quản lý cấp trên thì nay phân cấp, phân quyền cho các cơ quan, đơn vị cấp dưới.
Ông Nguyễn Tân Thịnh nhấn mạnh, tài sản công và công tác quản lý tài sản công trong thời gian gần đây được Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và dư luận xã hội rất quan tâm. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 15/1/2019 về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, trong đó khẳng định tài sản công là nguồn lực được huy động, quản lý, sử dụng và khai thác, hợp lý hiệu quả để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian vừa qua, Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Trong bài viết của Tổng Bí thư về chống lãng phí, rất nhiều nội dung yêu cầu nhận diện các lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, các định hướng và giải pháp cho công việc phòng, chống lãng phí. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng liên tục có các công điện về việc quản lý, sử dụng đối với tài sản nhà, đất dôi dư không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích hoặc sử dụng không hiệu quả.
Liên quan tới việc ban hành các văn bản mới về quản lý tài sản công, thông tin tới Hội nghị, ông Thịnh cho biết, trong năm 2024 riêng Bộ Tài chính được giao hoàn thiện và xây dựng mới 26 Đề án, trong đó có 1 Luật, 16 Nghị định, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 7 Thông tư của Bộ Tài chính, đây là một khối lượng rất lớn. Đến thời điểm hiện nay đã ký ban hành được 18 văn bản, trong đó có 1 Luật, 9 Nghị định, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 6 Thông tư của Bộ Tài chính. Hiện nay còn 8 văn bản trong quá trình hoàn tất thủ tục cuối cùng để ký ban hành.
“Chúng tôi lựa chọn những văn bản có đối tượng và phạm vi điều chỉnh áp dụng lớn và đa dạng ở các cái bộ, ngành, địa phương để tập huấn tại Hội nghị hôm nay”, ông Thịnh cho biết.
24 bộ, ngành đã báo cáo trên Phần mềm Tổng kiểm kê tài sản công
Thời gian qua với vai trò chủ trì, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành, địa phương chuẩn bị mọi điều kiện cho công tác tổng kiểm kê chính thức bắt đầu từ ngày 01/01/2025. Qua thông tin theo dõi trên Phần mềm tổng kiểm kê cho thấy đến ngày 14/01/2025, có 24 bộ, cơ quan trung ương và 58 địa phương đã thực hiện chế độ báo cáo trên Phần mềm Tổng kiểm kê tài sản công.
Kết quả tổng hợp cho thấy, đối với tài sản công là tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, về phía các Bộ, cơ quan trung ương, có 19 Bộ, cơ quan trung ương (cả Hội) đã đăng ký đối tượng kiểm kê. Trong đó, các Bộ, cơ quan trung ương có số lượng đơn vị đăng ký nhiều gồm: Bộ Tài chính (150 đơn vị), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (133 đơn vị), Bộ Giáo dục và Đào tạo (129 đơn vị), Bộ Y tế (122 đơn vị)… Có 05 Bộ, cơ quan trung ương (cả Hội) chưa đăng ký đối tượng kiểm kê: Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam. Đối với địa phương, có 57 địa phương đã đăng ký đối tượng kiểm kê, có 01 địa phương chưa đăng ký đối tượng kiểm kê là Vĩnh Phúc.
Đối với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng, về phía các Bộ ngành, cơ quan trung ương: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực hiện chế độ báo cáo, chưa đăng ký đối tượng kiểm kê với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi. Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện chế độ báo cáo, đăng ký đối tượng kiểm kê đối với tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải, chưa đăng ký đối tượng kiểm kê đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông khác. Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam chưa thực hiện chế độ báo cáo, chưa đăng ký đối tượng kiểm kê với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa thể thao.
Đối với địa phương, có 34 địa phương đã đăng ký đối tượng kiểm kê đối với 4-5 nhóm tài sản kết cấu hạ tầng như đường bộ, đường thủy nội địa, hạ tầng cấp nước sạch, chợ, Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, đê điều… Có 11 địa phương chưa đăng ký đối tượng kiểm kê đối với cả 18 loại tài sản kết cấu hạ tầng....
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, nhiều bộ, ngành, địa phương đã rất chú trọng chuẩn bị cho công tác tổng kiểm kê. Nhấn mạnh khối lượng công việc của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện tổng kiểm kê là rất lớn, ông Thịnh đề nghị các đơn vị cần khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Phổ biến nhiều chính sách mới về tài sản công
Tại Hội nghị, bà Trần Diệu An, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cũng đã phổ biến tới các đại biểu một số nội dung về các chính sách quản lý, sử dụng tài sản công mới được ban hành như: Luật số 56/2024/QH15 (phần sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công). Bên cạnh đó, thông tin về một số điểm mới tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Đại diện Cục Quản lý công sản cũng phổ biến tới Hội nghị một số chính sách quan trọng về Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng (thủy lợi, đường thủy nội địa): Nghị định số 08/2025/NĐ-CP ngày 9/1/2025 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi. Đồng thời, lãnh đạo Cục Quản lý công sản cũng đã trao đổi, giải đáp các câu hỏi liên quan đến các chính sách mới ban hành đã giới thiệu.
Thu Trang (Cổng TTĐT BTC)