Skip to main content

Chú trọng điều hành giá thị trường cuối năm

Theo Bộ Tài chính, năm nay, Quốc hội đề ra mục tiêu Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) ở mức 4,5%. Căn cứ diễn biến CPI 11 tháng vừa qua cho thấy, dư địa kiểm soát lạm phát tiếp tục tăng là điều kiện thuận lợi để thực hiện việc điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý đến CPI năm 2023 còn phụ thuộc vào thời điểm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh giá của các bộ, ngành. Trường hợp điều chỉnh vào tháng cuối năm, sẽ tác động đến CPI trễ sang năm 2024.

Kiểm soát mức tăng giá

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định, 11 tháng qua, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội; xung đột quân sự Nga-Ucraina cùng bất ổn gia tăng tại Trung Ðông, khiến giá xăng dầu chịu nhiều sức ép, giá lương thực toàn cầu vẫn ở mức cao,… Ở trong nước, lạm phát đang được kiểm soát và theo xu hướng giảm dần, CPI tháng 11/2023 tăng 3,45% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 4,27%. Thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định.

"Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 101/2023/QH15 giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng, Nghị định số 36/2023/NÐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước; Nghị định số 41/2023/NÐ-CP về giảm lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước; ban hành Thông tư số 44/2023/TT-BTC ngày 29/6/2023 về giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tiết giảm chi phí của doanh nghiệp, người dân,...", Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Ðức Chi đánh giá.

Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Ðức Chi

Chính sách tiền tệ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành đồng bộ, linh hoạt, bảo đảm thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối, cung ứng dòng vốn tín dụng ra nền kinh tế, vừa hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhưng vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần liên tục điều chỉnh giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ; đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Công tác điều hành giá xăng dầu trong nước được Liên bộ Công thương-Tài chính điều hành nhất quán, đúng quy định; sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước. Diễn biến mặt hàng khí hóa lỏng được các doanh nghiệp điều chỉnh kịp thời, linh hoạt theo giá tham chiếu thế giới. Ðối với mặt hàng điện, từ ngày 4/5/2023, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% so với mức giá điều chỉnh vào tháng 3/2019. Ngày 9/11 vừa qua, giá bán lẻ điện bình quân tiếp tục được điều chỉnh tăng 4,5%; hiện đang ở mức 2.006,79 đồng/kW giờ (chưa bao gồm thuế VAT),...

Riêng thị trường bất động sản năm nay vẫn trong trạng thái trầm lắng, gặp nhiều khó khăn do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư và giá nhà ở vẫn ở mức cao chưa đáp ứng được nhu cầu thực của khách hàng. Tình hình giao dịch đang "đóng băng" ở nhiều phân khúc so với năm trước, giá một số phân khúc và loại hình bất động sản cao cấp có xu hướng giảm.

Kìm giữ đà tăng giá y tế, giáo dục

Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thời gian qua tuy đã có sự điều chỉnh nhưng không ảnh hưởng mạnh tới mặt bằng giá chung. Từ tháng 11/2023, Bộ trưởng Y tế ban hành quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp. Ðồng thời, quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.

Riêng đối với học phí năm học 2023-2024, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2021/NÐ-CP theo hướng giữ ổn định học phí bằng mức năm học 2021-2022. Ðối với học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập, lùi lộ trình học phí 1 năm so với lộ trình học phí. Hiện nay, dự thảo Nghị định đang được gửi xin ý kiến các thành viên Chính phủ để báo cáo Chính phủ xem xét, phê duyệt. Dự thảo Nghị định cũng quy định, trường hợp các địa phương tăng học phí năm học 2023-2024 thì ngân sách địa phương bảo đảm phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021-2022.

Dự báo của Bộ Tài chính cho thấy, trong một số yếu tố khác gây áp lực lên mặt bằng giá, cần theo dõi thêm giá điện bởi tăng trong thời điểm cuối năm sẽ có áp lực nhất định lên mặt bằng giá. Dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình có thể tăng vào dịp nghỉ lễ cuối năm khi nhu cầu tăng. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm có khả năng tăng giá vào tháng cuối năm theo giá xuất khẩu và do nhu cầu tiêu dùng của người dân vào dịp cuối năm thường tăng. "Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng như cát, đá xây dựng dự báo có thể tăng vào cuối năm 2023 do nhu cầu triển khai các dự án giao thông trọng điểm, tập trung tại 3 khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng đồng bằng sông Cửu Long", đại diện Bộ Tài chính lưu ý.

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, các chính sách tài khóa hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và đang được triển khai sẽ tiếp tục góp phần tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp cũng như giảm chi phí sinh hoạt của người dân trong tháng còn lại của năm 2023. Thêm vào đó là các bài học kinh nghiệm và sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các chính sách hỗ trợ người dân của Chính phủ, đã giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.

Bộ Tài chính đề xuất các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào việc tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới; cập nhật sát tình hình cung, cầu giá cả hàng hóa chiến lược trên thị trường quốc tế để kịp thời cảnh báo các nguy cơ và đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành…

Ðáng lưu ý, trong quý IV này, khi vẫn còn dư địa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra ở mức 4,5%, Bộ Tài chính khuyến cáo các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, đánh giá kỹ tác động đối với mặt bằng giá, có phương án điều chỉnh giá theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo lộ trình phù hợp. Cần có phương án giảm thiểu tác động tiêu cực đối với người nghèo và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu. Các địa phương chủ động đánh giá nhu cầu, khả năng đáp ứng của thị trường, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để có giải pháp sản xuất, điều tiết, bình ổn giá phục vụ thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới.

Theo nhandan.vn