Skip to main content

Điều chỉnh kịch bản tăng trưởng lên 7%

Kết quả tăng trưởng GDP duy trì của quý II và 6 tháng đầu năm 2024 tích cực đặc biệt là trong quý II/2024 là nguyên nhân để các cơ quan chức năng trình Chính phủ điều chỉnh kịch bản tăng trưởng cả năm lên từ 6,5-7%.

hinh

Thay đổi kịch bản tăng trưởng GDP

Về kỳ vọng tăng trưởng 6 tháng cuối năm năm 2024 và kết quả thu hút FDI trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHDT) Trần Quốc Phương cho biết.

Về kỳ vọng tăng trưởng 6 tháng cuối năm năm 2024, theo kết quả Kỳ họp Chính phủ diễn ra sáng nay và và thông tin được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn vừa thông tin thì kết quả tăng trưởng duy trì của quý II và 6 tháng đầu năm 2024 là rất tích cực đặc biệt là trong quý II/2024. Đây là sự tăng trưởng đột phá và tạo nền tảng khá tốt để chúng ta có thể đáp ứng yêu cầu và mục tiêu của Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng duy trì kinh tế vĩ mô

Trên cơ sở kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm, Bộ KH&ĐT đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm và báo cáo Chính phủ để phục vụ công tác điều hành.

Thứ nhất là với kịch bản cơ sở, tức là kịch bản bám sát mục tiêu Quốc hội đề ra. Sau kết quả 6 tháng đầu năm thì với mục tiêu tăng 6-6,5%, nếu chúng ta lấy cận trên là 6,5% thì tăng trưởng quý III, IV cũng khoảng 6,5% thôi. Quý III và IV là các quý động lực của năm, Do đó mức độ 6,5% thì hoàn toàn khả thi. “Chúng ta hoàn toàn có sơ sở để kỳ vọng kết quả cao hơn, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, tăng cao hơn 6,5%”, ông Phương nhấn mạnh.

Do vậy, Bộ KH&ĐT cũng đã tính toán, tham mưu, báo cáo Chính phủ phương án cao hơn, đó là kịch bản 2 với dự kiến cả năm đạt 7%.

Nếu theo phương án này, quý III và IV lần lượt tăng khoảng 7,4-7,6%. Theo ông Phương, mặc dù mục tiêu tăng trên 7% là mức cao nhưng chúng ta hoàn toàn có khả năng phấn đấu được, nếu cố gắng khắc phục các yếu tố hạn chế đã nêu trong Báo cáo trình Chính phủ sáng 06/7.

“Như vậy, chúng tôi báo cáo với Chính phủ lựa chọn phương án kịch bản mới, cập nhật so với Nghị quyết 01, tăng trưởng cả năm khoảng 6,5-7%. Trong đó, Bộ KH&ĐT mạnh dạn kiến nghị với Chính phủ đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn 7% để có những chỉ đạo quyết liệt hơn, hướng đến mục tiêu này” Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Giải thích thêm về các động lực tăng trưởng, ông Phương cho rằng Bộ KH&ĐT đã tính đến 6 yếu tố tác động tích cực đến tăng trưởng, trong đó: (1) Xu hướng tăng trưởng tích cực của khu vực và thế giới; (2) Động lực để đầu tư bao gồm cả đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là đầu tư FDI, đều tăng trưởng tích cực; (3) Các động lực về xuất khẩu đã phục hồi và tỉ lệ các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu tăng lên nhanh chóng. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn gặp phải những khó khăn trong xuất khẩu như chi phí vận tải tăng lên, hay phải điều chuyển tuyến vận tải trên đường biển; (4) Thứ tư, du lịch phục hồi khá mạnh mẽ. Hiện nay, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đông hơn, mục tiêu chúng ta đặt ra hơn 8 triệu lượt khách trong năm 2024 thì trong vòng 6 tháng đầu năm chúng ta đã đạt được và hoàn toàn có thể hướng tới kỳ vọng năm nay khách du lịch đạt khoảng 14-15 triệu khách. Đây là yếu tố rất tốt có thể tác động đến khu vực dịch vụ. (5) Quốc hội đã thông qua hiệu lực của 3 luật rất quan trọng là Luật Đất đai, Luật Bất động sản và Luật Kinh doanh nhà ở. 3 Luật này sẽ có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản mà 6 tháng đầu năm là mảng gặp rất nhiều khó khăn. Với các quy định mới thông thoáng hơn và tạo điều kiện hơn, thị trường bất động sản sẽ có tín hiệu khởi sắc trong 6 tháng cuối năm, tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. (6) là tác động của công tác chỉ đạo, điều hành. Hiện nay, chỉ đạo của Chính phủ rất quyết liệt và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặt biệt 4 địa phương là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, phải quyết liệt hơn nữa trong việc thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng.

Vốn FDI: Kỳ vọng đạt 39-40 tỷ USD

Về khả năng thu hút FDI, đến nay, tổng kết lại trong 6 tháng đầu năm, kết quả duy trì ở mức khá. Tổng vốn FDI đăng ký của 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1%. Trong đó, FDI đăng ký mới là hơn 9,5 tỷ USD, tăng 46,9%. Đây là con số đáng lưu ý, bởi vốn đăng ký mới tức là dự án mới vào sẽ gia tăng năng lực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%, cũng là mức tăng trưởng khá. Trong đó cũng có ghi nhận rất nhiều dự án mới, quy mô lớn được đầu tư.

Đối với kỳ vọng của 6 tháng cuối năm, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, trong báo cáo của Bộ KH&ĐT, chúng tôi kỳ vọng hết sức lạc quan Đây không chỉ đánh giá chủ quan của các cơ quan trong nước mà kể cả phía nước ngoài đánh giá. Theo đó, đánh giá của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước về triển vọng thu hút FDI, xu hướng tích cực vẫn được duy trì nhờ 3 yếu tố hết sức quan trọng:

Một là chiến lược đa dạng hóa thích ứng của các nhà đầu tư. Xu thế này chúng ta đã thực hiện sau COVID, đây cũng là cơ hội để Việt Nam đón nhận vốn đầu tư của thế giới.

Thứ hai là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở quý I cho thấy nhiều triển vọng và người ta sẽ kỳ vọng rất nhiều vào nền kinh tế có sức phục hồi lớn đang diễn ra, sẽ là yếu tố tốt để tác động đầu tư.

Cuối cùng là kinh tế vĩ mô của chúng ta ổn định, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn từ bên ngoài liên quan đến vấn đề giá cả một số mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, chỉ số FDI của chúng ta vẫn ở mức khoảng 4% trong phạm vi mục tiêu Quốc hội đề ra. Chỉ số lạm phát ở mức hơn 2%, cho thấy nền kinh tế vĩ mô của chúng ta ổn định. Đây là điều quan trọng nhà đầu tư rất cần để đầu tư được bảo đảm. Điều tra của Bộ KH&ĐT thấy rằng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn được tiếp tục đầu tư ở Việt Nam. Qua đó, chúng ta có thể kỳ vọng thu hút đầu tư vốn FDI cả năm 2024 vẫn cố gắng đạt khoảng 39-40 tỷ USD, tương đương hoặc cao hơn chút so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Châu An (Cổng TTĐT Bộ Tài chính)